Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Ngày Sách Việt Nam thực sự là ngày hội

Thủy Tiên| 20/04/2014 05:54

1. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khẩu hiệu "Diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm".



Người rất sáng suốt khi đưa nhiệm vụ "diệt giặc dốt" lên hàng đầu vì khi đó, hơn 95% dân ta mù chữ. Không biết chữ thì không thể đọc được sách báo, như thế không hiểu được tình hình, thời cuộc cách mạng. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sách đã góp phần quan trọng giáo dục lòng yêu nước và căm thù quân xâm lược. Hồi ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc đều nhắc đến câu nói của nhân vật Pavel "Đời người chỉ sống một lần, sống sao cho khỏi xót xa, ân hận..." trong cuốn sách "Thép đã tôi thế đấy" được thanh niên thời đó truyền tay nhau đọc.

2. Lần giở lịch sử, khi giặc Minh xâm lược nước ta vào đầu thế kỷ XV, việc đầu tiên khi đến Thăng Long là chúng cho phá bia. Tướng giặc là Trương Phụ còn sai quân thu gom sách mang về nước, không mang được hết thì đốt bỏ. Việc làm của giặc Minh cho thấy chúng hiểu giá trị của sách đối với dân Đại Việt, phá bia, cướp sách là nhằm mục đích ngu dân để chúng dễ bề cai trị, phục vụ mưu đồ thống trị lâu dài.

3. Từ xưa đến nay, không ai có thể phủ nhận giá trị của sách với đời sống con người. Sách cung cấp kiến thức, giúp phát triển tư duy và đặc biệt sách còn rèn luyện nhân cách người đọc. Nhưng nhiều năm trở lại đây, số lượng sách xuất bản ở Việt Nam năm sau giảm hơn năm trước, người đọc cũng ít dần. Theo thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) trong năm 2013, các nhà xuất bản đã in và phát hành 256.161 triệu bản, bao gồm sách chính trị, khoa học - kỹ thuật, lịch sử, văn học, kinh tế... Nếu chia đều cho 90 triệu dân (từ em bé chưa biết đọc đến cụ già) thì tỷ lệ sách/đầu người trung bình là 2,8 quyển - quá thấp so với nhiều nước trên thế giới. Còn theo tổng hợp của hệ thống thư viện, năm 2013 mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn/năm, tỷ lệ đọc ở các thư viện công cộng còn thấp hơn nữa (0,38 cuốn/năm). Đó là con số đáng buồn ở một đất nước vốn có truyền thống hiếu học và ham đọc sách.

Thực ra, không phải do internet mà sách in ngày càng ít đi, nguyên nhân chủ yếu là giá sách quá cao khiến số đông có thu nhập thấp không dám chi tiền mua sách. Ngoài ra, do người lớn phải vật lộn mưu sinh còn học sinh - lứa tuổi đọc sách nhiều nhất lại phải học thêm nên thời gian dành cho đọc sách ít hơn. Với người viết sách, nhuận bút 10% tính theo giá bìa và số lượng phát hành là quá thấp. Phần lớn nhà xuất bản vì sợ sách lậu nên chỉ dám in 1.000 bản và kết quả, chỉ có 4/62 nhà xuất bản có lãi khiến hoạt động xuất bản trì trệ. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác.

Nhân sự kiện Thủ tướng Chính phủ công bố quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là "Ngày Sách Việt Nam", hy vọng các cơ quan có trách nhiệm sẽ rà soát các văn bản, sửa ngay những bất cập, đồng thời có chính sách hỗ trợ để vực dậy ngành xuất bản, thu hút người đọc mua sách nhiều hơn. Làm được như vậy thì "Ngày Sách Việt Nam" thực sự là ngày hội tôn vinh giá trị sách, đề cao việc đọc sách trong xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Ngày Sách Việt Nam thực sự là ngày hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.