(HNM) - Không để "cái sảy nảy cái ung" gây xung đột xã hội, vì thế, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động hòa giải cơ sở (HGCS) chính là nội dung mà Ban soạn thảo dự thảo Luật HGCS hướng tới.
Tuy nhiên, cho rằng, xuất phát điểm của hòa giải là một hoạt động có tính tự giác, tự nguyện thể hiện tinh thần đạo lý hòa hiếu của người Việt, cơ quan chủ trì xây dựng luật này - Bộ Tư pháp cho rằng, không bắt buộc lập biên bản kết quả hòa giải, trừ trường hợp các bên mâu thuẫn, tranh chấp yêu cầu. So sánh với thực tiễn đang diễn ra hiện nay, đề xuất này có phần lạc hậu, bởi đang có không ít chuyện bội ước sau HGCS.
Tổng kết 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động tổ hòa giải cho thấy, bằng sự hiểu biết pháp luật, sự tận tâm, tận lực của các hòa giải viên, nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình được lực lượng này giải quyết thành công, đem lại tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, hàn gắn sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Thế nhưng cũng không ít vụ sau khi hòa giải các bên đạt được thỏa thuận thống nhất thi hành, sau đó lại thay đổi ý kiến với lý do quy định pháp luật không bắt buộc lập biên bản về kết quả hòa giải và cũng không nêu rõ ràng về giá trị pháp lý của loại văn bản đó. Tình trạng ấy diễn ra ở cả 63/63 tỉnh, TP trên cả nước tuy mức độ và liều lượng khác nhau. Hậu quả là tổ hòa giải phải tiến hành thương thuyết nhiều lần, không có điểm dừng, vừa tốn công sức, vừa khiến người ngoài nhìn vào với cái nhìn thiếu thiện cảm. Không ít ý kiến cho rằng, trình độ nghiệp vụ và sự hiểu biết pháp luật của tổ hòa giải còn hạn chế nên mới dẫn đến cơ sự ấy.
Tình trạng trên cho thấy, bên cạnh việc khẳng định vai trò của tổ hòa giải thì Ban soạn thảo cần có sự tiết chế hợp lý mối quan hệ, uy tín giữa họ với người dân từ giá trị pháp lý của biên bản hòa giải. Cần đặt dự thảo này trong bối cảnh tạo tiền đề cho việc đưa hoạt động HGCS thành một biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế tòa án theo đúng tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, mới có thể giảm bớt khởi kiện, khiếu nại nhỏ có thể giải quyết từ cơ sở. Trong đó, biên bản hòa giải cần là "dấu ấn" khẳng định hoạt động hòa giải đã được thực hiện, là cơ sở để những người đã thống nhất kết quả hòa giải không thể "lật lọng" làm ảnh hưởng đến giá trị kết quả hòa giải. Song nên "mềm hóa" bằng "thỏa thuận" thay vì "biên bản" cho phù hợp với tính chất dân sự và tự nguyện của hoạt động HGCS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.