Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để một đêm Giáng sinh bình yên

Theo CAND| 24/12/2012 16:20

Để góp phần trong đêm giáng sinh bình yên cho Hà Nội và nhiều tỉnh trên cả nước, lực lượng Công an đã triển khai lực lượng để bảo vệ an toàn cho bà con Công giáo và người dân được hưởng trọn niềm vui.

triển khai lực lượngđể bảo vệ an toàn cho bà con Công giáo và người dân được hưởng trọn niềm vui.


Ngày thường, Nhà Thờ Lớn vốn là một địa chỉ tham quan của khách du lịch khi đến Hà Nội, là điểm hẹn của không ít nam thanh nữ tú. Vào các dịp lễ lớn, nhất là lễ Giáng sinh, sức hút của Nhà Thờ Lớn càng trở nên đặc biệt. Trong không khí chộn rộn, vui tươi ấy, chúng tôi đã ghé thăm một số gia đình giáo dân sống quanh khu vực này để cùng hòa vào sự háo hức chờ ngày Chúa ra đời.


Nhà Thờ Lớn lộng lẫy chào đón Giáng sinh

Phố Nhà Chung, phố Nhà Thờ là những con phố chạy dọc, chạy ngang Nhà Thờ Lớn. Chỉ nghe tên cũng khiến người ta hình dung ra đặc thù của khu vực này. Như những tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm khác, đây là những con phố hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Thế nên, rất nhiều cửa hàng trên phố bán đồ lưu niệm. Đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với tên đất, tên làng của nhiều làng nghề nổi tiếng trong khắp cả nước. Nào là thổ cẩm Tây Bắc, sơn mài Thường Tín…

Ngày 21/12, chỉ 3 ngày nữa là đến Giáng sinh, tôi có dịp đi dạo trên những con phố mà khi nhắc đến nó, người ta thấy Hà Nội đẹp hơn, thấy người Hà Nội thanh lịch hơn. Rồi tôi không thể không dừng chân trước quảng trường Nhà Thờ Lớn, nơi rất đông các cháu học sinh Trường THCS Hoàn Kiếm (ngôi trường ở sát Nhà Thờ Lớn) vừa túa ra. Hình ảnh đám học sinh vui đùa trước sân nhà thờ rêu phong cổ kính đưa tôi về miền hoài niệm. Tôi nhớ về những buổi ôm giáo trình đến ngồi bên hông nhà thờ Phùng Khoang ôn bài cách đây 15 năm…

Theo chân đám học trò, tôi bước qua bậc tam cấp lên sảnh Nhà Thờ Lớn. Ở đó, người ta đang làm hang đá. Những người đàn ông khéo tay vô cùng khi tạo ra hang đá mang vẻ kỳ bí với dòng thác trắng xóa chảy bên cạnh… Rồi cây thông Noel cao vài mét mang trên mình những bông tuyết lấp lánh… Nhìn sự tất bật trong niềm vui của những con chiên xứ đạo này, những người khách ghé thăm Nhà Thờ Lớn như tôi hôm nay cũng được vui lây.

Ở Nhà Thờ Lớn, không khí Noel tràn ngập. Ở trong những con ngõ nhỏ kế bên ngôi nhà thờ nổi tiếng này, Noel “về” đến đâu rồi nhỉ? Để trả lời câu hỏi này, tôi đi vào ngõ nhỏ ở phố Nhà Chung. Đây là con ngõ tập trung rất đông các hộ gia đình giáo dân. Và tôi đã ghé thăm tổ ấm của “Người vác tù và hàng tổng” - Cô Nguyễn Thị Bích, Tổ trưởng Tổ dân phố 16, khu phố 4, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm. Được biết, cô Bích và gia đình cô còn là những giáo dân tiêu biểu.

Giữ cái đạo trong tâm

“Cô chú ơi! Gia đình mình đã chuẩn bị những gì cho Giáng sinh rồi ạ?”, tôi háo hức hỏi ngay khi bước vào nhà. “Giữ cái đạo trong tâm chứ đâu phải bằng những hình thức phô trương hả cháu”, chú Nguyễn Tiến Bảo, chồng cô Bích vui vẻ đáp lời tôi. Nói vậy nhưng cả cô chú đều khoe, chưa đến Giáng Sinh nhưng 6 đứa cháu nội, ngoại đều viết thư gửi ông già Noel. Đứa thì bày tỏ ước nguyện được tặng cái điện thoại di động; đứa thì muốn tặng bộ đồ tắm cho trẻ em… “Thay mặt” ông già Noel, chú Bảo đã đọc thư và tặng đúng những món quà mà mấy đứa cháu mong muốn. Nghe chú Bảo kể về “sứ mệnh” làm ông già Noel cứ mỗi lần Giáng sinh về, tôi phần nào hình dung ra không khí tưng bừng, ấm áp trong gia đình này vào ngày lễ trọng đại của đức tin.

Không chỉ đem Giáng sinh về nhà mình, cô Bích còn là người quan tâm đến những người cùng tín ngưỡng. Trong vai trò là Tổ trưởng Tổ đoàn kết công giáo, Thường vụ Hội Phụ nữ phường, tổ viên tổ hòa giải, tổ khuyến học… cô biết rõ hoàn cảnh của từng người. Cô cho biết, ngay trong chiều 21/12, cô cùng với một số hội viên Hội Phụ nữ phường đi mua quà tặng các hộ giáo dân thuộc diện chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình công giáo tiêu biểu. Lo chuẩn bị quà để tặng 12 người ốm, liệt; 5 hộ nghèo và cận nghèo; các giáo dân tiêu biểu tuy tất bật một chút song cô Bích rất vui.

Cô cho biết, cứ mỗi kỳ Giáng sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể lại trích quỹ để tặng quà Noel. Món quà tuy không lớn nhưng động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, xã hội đối với những người có nhiều đóng góp cho đất nước, cho sự bình yên của phố phường.

Cô Bích còn khoe với tôi, để giúp đỡ những hộ giáo dân khó khăn, tổ dân phố đề xuất với chính quyền địa phương cho họ sử dụng một phần ngõ để buôn bán. Việc này vừa tránh được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vừa tạo điều kiện để người dân mưu sinh. Chị Lan, một giáo dân có chồng bị liệt đang bán hàng nước trong ngõ cho chúng tôi biết, nguồn thu từ việc kinh doanh này giúp gia đình chị dần ổn định cuộc sống. Do ở ngay trong ngõ nên chị vừa bán hàng, vừa tranh thủ cơm nước cho chồng con. “Năm nào vào đêm Noel chị cũng bán hàng. Nhưng cứ sáng 25 là có mặt ở Nhà Thờ Lớn để dự lễ”, chị Lan nói.

Chú Phạm Hữu Lý, Đảng viên, giáo viên dạy Sinh, Địa vừa nghỉ hưu cho biết, từ nhỏ đã lớn lên ở con ngõ này. Tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông đồng hồ đã trở nên quen thuộc… .“Ở cộng đồng dân cư này không có sự phân biệt lương, giáo. Mà không chỉ ở đây đâu, ở khắp nơi đều thế”, chú Lý cho biết. Nói rồi chú Lý viện dẫn, ra đường vào lễ Noel thì thấy, phố phường trang hoàng lộng lẫy. Nhiều khách sạn, cao ốc, cửa hàng có cây thông, có hàng đá…; thanh niên thì rủ nhau đi chơi… Nhà chú sát bên Trường Mầm non Tháng Tám nên cứ mỗi dịp Noel lại nghe các cô mở bài “Ring the bell”. Những giai điệu rộn ràng của bài hát làm cho con tim người nghe thêm chộn rộn…

Giáng sinh bây giờ không chỉ là một lễ lớn của người theo đạo Thiên Chúa giáo. Nó còn là dịp để thanh niên nam nữ xuống đường, là cơ hội để đám trẻ nhỏ được bố mẹ, ông bà tặng quà… Ngay như cách nghĩ, cách làm của cô Nguyễn Thị Bích và các thành viên trong Câu lạc bộ văn nghệ phụ nữ của phường Hàng Trống cũng thể hiện điều này. Cứ mỗi dịp Giáng sinh hay lễ trọng, họ lại tổ chức văn nghệ, hát những bài hát về Chúa, về Đời như: “Đêm chúa sinh ra đời”, “Tiếng chuông sinh nhật”, “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Đoàn tàu Thống Nhất”… Sự đoàn kết giữa các tôn giáo, sự hòa nhập trong một xã hội đang phát triển là cơ sở để mọi người dân tin vào sự phồn thịnh của đất nước, dân tộc. Tin vào một mùa Giáng sinh an lành.

Để góp phần trong đêm giáng sinh bình yên cho Hà Nội và nhiều tỉnh trên cả nước, nhiều chiến sĩ công an đã gác lại niềm vui ngày thường, cùng đồng đội bảo vệ tuyệt đối an toàn để bà con Công giáo và người dân được hưởng trọn niềm vui.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để một đêm Giáng sinh bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.