(HNM) - Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội dài hạn, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, để mọi người dân đều có lương hưu khi hết tuổi lao động. Với tính ưu việt đã được khẳng định, ngành Bảo hiểm xã hội đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Những “rào cản” thu hút người dân tham gia
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội thông thoáng, linh hoạt, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia. Bất kỳ ai là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đều được tham gia chính sách này với số tiền phải đóng khá thấp. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đa dạng, khi người tham gia có thể đóng hằng tháng, một lần cho 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm hoặc nhiều năm về sau (tối đa không quá 5 năm), cho đến khi đủ 60 tuổi và có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên để được hưởng chế độ hưu trí. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, nên có thể bảo đảm cuộc sống cho bản thân khi về già.
Thế nhưng, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến nay, cả nước mới có gần 740.000 người tham gia chính sách này. So với cuối năm 2019, số người tham gia tăng hơn 160.000 người, nhưng vẫn còn quá ít so với lực lượng lao động trong độ tuổi, hiện mới đạt 1,5%. Đối tượng cần được bảo vệ bởi mạng lưới an sinh xã hội là thành viên các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo có rất ít người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện đạt khoảng 3% tổng số người có tên trong danh sách.
Theo Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào, bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa mở rộng diện bao phủ xuất phát từ nhiều rào cản. Đối với người dân, một số người chưa hiểu rõ tính ưu việt của chính sách, nên chưa mặn mà với “khoản để dành” cho tuổi già. Về phía cơ quan quản lý, ở một số nơi, chính quyền địa phương cũng như cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc triển khai chính sách… Ngoài ra, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay khá thấp (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng với 46.200 đồng/người/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng với 38.500 đồng/người/tháng; các trường hợp khác được hỗ trợ 10%, tương ứng với 15.400 đồng/người/ tháng); thời gian đóng để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên), nên một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là với người nghèo không có điều kiện để tham gia.
“Có tiền lương hưu hằng tháng khi về già là mong ước nhưng hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi, gồm ba mẹ con gặp nhiều khó khăn. Số tiền thu được từ công việc tự do không đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, nên dù rất muốn, tôi cũng không có đủ năng lực tài chính tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”, chị Chu Thị Thanh Thủy, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ.
Nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, nước ta có khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 5% vào năm 2030, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa của chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia. Theo đó, thời gian qua, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với hệ thống bưu điện tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bích Thục thông tin, đơn vị vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại xã Kim Thư và xã Kim An, thu hút gần 80 người tham gia các chính sách này ngay sau khi kết thúc hội nghị.
Cùng với công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4; đồng thời phát triển mạng lưới cộng tác viên và đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến 100% thôn, làng, bản, tổ dân phố trên phạm vi cả nước. Các địa phương cũng có nhiều sáng kiến để mở rộng đối tượng tham gia.
Để hỗ trợ người tham gia, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đơn vị vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đề xuất, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo; từ 10% lên 20% đối với các trường hợp còn lại.
“Nếu được nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo đề xuất nêu trên, dự kiến đến năm 2025, cả nước có khoảng 3,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và con số này sẽ tăng lên khoảng 8,9 triệu người vào năm 2030”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.