Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dễ mà khó

Đồ Nghệ| 11/07/2010 07:05

(HNM) - Càng đến gần ngày Đại lễ kỷ niệm, số lượng các bài viết về Thăng Long - Hà Nội trên các phương tiện thông tin ngày càng nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu vì Thăng Long - Hà Nội không phải là của riêng người Hà Nội mà của chung Việt Nam. Mặt khác, Thăng Long - Hà Nội, nói như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng là mảnh đất

Các bài viết ở đủ thể loại: sử, ký, tạp văn... phản ánh cuộc sống vật chất, tinh thần trong thời bình cũng như thời chiến ở mảnh đất này. Điều đó làm phong phú thêm lịch sử, văn hóa Hà Nội, đồng thời làm rõ thêm tâm thức Hà Nội. Tuy nhiên trong một số bài viết đã có những sai sót hoặc nhầm lẫn về thời gian, không gian, câu chuyện...

Hầu như ai cũng biết câu "Không thơm cũng thể hoa lài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Đó là câu hát trong một bài ca trù của Nguyễn Công Trứ. Thế nhưng khi dẫn câu này, người ta đều nói là ca dao Hà Nội.

Có một nữ tác giả yêu hoa Hà Nội và khi viết bài đã gán cho phụ nữ Hà Nội thập kỷ 7 thế kỷ trước thích cắm hoa... loa kèn. Thực ra thời kỳ này, hoa loa kèn chưa xuất hiện ở Hà Nội và chị em thường cắm hoa đồng tiền đơn và sau đó là đồng tiền kép, loài hoa được trồng khá nhiều ở làng hoa ven đô. Lại có người khác cũng viết về hoa Hà Nội đã nhầm khi biến hoa bướm (mầu tím) thành violet (mầu tím). Violet thấp tè, không cao ngồng như hoa bướm. Có tác giả viết khá nhiều về Hà Nội, nhất là các món ăn, song lại sai cơ bản khi cho rằng bún ốc có xuất xứ từ hồ Tây. Đúng là hồ Tây có nhiều ốc khi Công ty Thủy sản Hồ Tây mua ốc từ Ninh Bình, Hà Nam đổ xuống hồ cho cá trắm cỏ ăn từ đầu những năm 70 thế kỷ trước. Song nhiều ốc và món bún ốc là hai việc khác nhau. Trong ca dao, tục ngữ Hà Nội có câu: "Tứ Kỳ gánh cân, Pháp Vân gánh nánh". Cả hai làng đều thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Làng Tứ Kỳ có nghề làm bún lâu đời và các bà, các cô sáng sáng gánh bún vào nội thành bán. Bún được để vào hai thúng nên rất cân. Còn làng Pháp Vân có nghề bán bún ốc lâu đời. Vì bên nồi nước dùng bao giờ cũng nặng hơn bên quang để bát, đũa nên gánh không bao giờ cân được vì thế mới có câu trên. Năm ngoái, một báo mạng cho đăng bài về bún chả, tác giả đã "sáng tác" ra cái gọi là "nghi thức bún chả Hà Nội". Chẳng có nghi thức nào khi ăn bún chả vì đó là món ăn bình dân. Yêu Hà Nội đến mức nói quá thiết nghĩ cũng không nên. Chưa hết, có nhà nghiên cứu văn học "thoải mái" nói rằng cây lộc vừng ở hồ Hoàn Kiếm có tuổi đời còn hơn cả Tháp Rùa. Tháp Rùa xây dựng vào khoảng năm 1877 và xem các bức ảnh do người Pháp chụp năm 1883 thì khu vực trước trụ sở UBND thành phố là bãi đất hoang và khi ông Bá Kim chưa xây Tháp Rùa, nó là bãi dâu.

Nếu chịu khó nhặt nhạnh còn tìm ra rất nhiều chi tiết thiếu chính xác hoặc nhầm lẫn. Không phủ nhận tấm lòng của những người viết về Thăng Long - Hà Nội, song cái gì biết chính xác hãy viết bởi không đơn thuần chỉ đừng nhầm lẫn mà những bài viết chính là lịch sử.

Nói chung là viết về Thăng Long - Hà Nội dễ nhưng cũng rất khó...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dễ mà khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.