Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để lễ hội đầu xuân thực sự ý nghĩa

Nhóm PV Bạn đọc| 18/02/2014 07:07

(HNM) - Những năm gần đây, hoạt động lễ hội ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội được tổ chức tương đối nền nếp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.


Chị Đỗ Thị Thanh Nhàn, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa: Nhiều người đi lễ chùa với tâm lý thực dụng…



Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống của địa phương, thể hiện nét văn hóa của mỗi vùng, miền. Do đó, khi đến vãng cảnh, lễ chùa thì cần phải hiểu biết lịch sử di tích, như: nơi đó thờ ai, người đó có công gì với đất nước… Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đi chùa, đi lễ hội thường chỉ nghĩ đến xin lộc, cầu tài, khiến những nơi này thiếu sự trang nghiêm cần có. Họ mang nặng sự tính toán khi để trong lòng bàn tay Phật thật nhiều tiền công đức rồi xì xụp khấn vái xin công danh tài lộc… Chính điều này đã khiến văn hóa tâm linh ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề, đạo đức bị xói mòn nghiêm trọng. Thiết nghĩ, để điều chỉnh được thái độ của những người như vậy không dễ, mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi các di tích phải có nội quy nghiêm ngặt dành cho những người đến lễ, người nào không thực hiện đúng sẽ không được vào lễ. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tỏ rõ thái độ bài trừ cái xấu, lên án những kẻ thực dụng… thì mới mong cải thiện được văn hóa của những người đến chùa chỉ với mục đích xin lợi lộc cho bản thân…

Bà Hoàng Thắm, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng: Còn xô bồ, thiếu trang nghiêm



Ngày 5 Tết, tôi và gia đình đi chùa Hương và phải vất vả lắm mới vào được động Hương Tích. Mặc dù đường lên động và đường quay lại bến đò riêng nhưng không ai chịu nhường ai, không ai xếp hàng mà mạnh ai người ấy chen… Khi xuống đến Động, tại khu vực đặt lễ chính cũng lại diễn ra cảnh người người chìa tay xin lộc, nhiều người dùng tiền mài vào vách núi khấn vái, hay chìa tờ tiền ra xin lộc từ nhũ nước rơi từ trên đỉnh Động xuống…. Ở đây, tôi nhận thấy nói năng, ăn mặc… còn xô bồ, thiếu nhã nhặn, trang nghiêm. Ở khu vực bến đò và trước cổng chùa Thiên Trù nhan nhản nhà hàng ăn uống treo lủng lẳng nhím, thỏ đã bị mổ thịt hay những đùi bê, dê… bị "tùng xẻo", chưa kể nhiều con nhím, chồn sống bị nhốt trong chuồng đặt trước cửa nhà hàng làm "mồi nhử" thực khách trông rất phản cảm…

Ông Nguyễn Văn Thơm,Trưởng thôn Bãi Dài, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất:Phải có phương án tổ chức lễ hội an toàn, tiết kiệm



Thông qua lễ hội người dân được hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, ở một số địa phương nhất là khu vực ngoại thành, việc quản lý, tổ chức lễ hội chưa đáp ứng được yêu cầu nên tệ nạn cờ bạc phát sinh, hàng quán "quây" lễ hội, xả rác bừa bãi quanh di tích… đã làm mất đi ý nghĩa của lễ hội truyền thống. Làm gì để lễ hội thực sự có ý nghĩa đồng thời khắc phục những tồn tại trong việc tổ chức lễ hội… đã và đang là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm. Theo tôi, để dịp lễ hội năm Giáp Ngọ trên địa bàn Hà Nội thực sự có ý nghĩa, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, các địa phương cần có phương án tổ chức lễ hội bảo đảm an toàn, tiết kiệm; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp các quy định liên quan đến việc tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an nắm bắt tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cờ bạc, kể cả những đối tượng lợi dụng các trò chơi có thưởng để "móc" tiền du khách tại nơi tổ chức lễ hội.

Bà Nguyễn Thị Vang, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín: Cần quản lý chặt chẽ nguồn tiền công đức



Một vấn đề đáng quan tâm ở các di tích lịch sử đình, chùa, miếu là trong dịp tổ chức lễ hội là việc quản lý tiền công đức, tiền "giọt dầu" của những người đi lễ để mang lại hiệu quả thiết thực. Có những nơi, việc thu nhận tiền công đức của khách thập phương bị biến tướng, để một số người trục lợi… Để quản lý tốt nguồn tiền công đức của nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư sửa chữa, tôn tạo, trùng tu di tích, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm. Ban quản lý di tích, nơi tổ chức lễ hội cần xử lý triệt để các trường hợp mua bán, trao đổi tiền lẻ tại đình chùa, di tích, chấn chỉnh tình trạng khách thập phương cài, "rải" tiền lẻ bừa bãi trên ban thờ, tượng Phật, ném tiền xuống ao, giếng để cầu maỵ… Có như vậy mới giữ được sự tôn nghiêm di tích và không gây lãng phí tài sản quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để lễ hội đầu xuân thực sự ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.