(HNMO) - Chiều 10-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đầu tư xây dựng 729km các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, được chia làm 12 dự án thành phần có thể vận hành, khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức dự toán đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025.
Đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết đầu tư dự án. Theo đó, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần phục hồi, phát triển kinh tế; hạn chế ùn tắc, quá tải, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nhận định, để kinh tế tăng trưởng, giao thông phải "mở đường đi trước", nhất là khi đất nước đang cần những giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Nhất trí với tính cấp thiết của chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) phân tích, xây dựng cao tốc này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đại biểu nhận định, một trong những điểm nghẽn chính khiến năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao là sự yếu kém của kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng.
“Chỉ số chất lượng đường bộ, chỉ số kết nối giao thông đường bộ năm 2019 của nước ta đứng trong nhóm các nước có chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ kém nhất thế giới. Điều này dẫn tới chi phí logistics chiếm tới 20% GDP, gần gấp đôi các nước đang phát triển, cao hơn mức bình quân toàn cầu 14-15%”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Đối với phương thức đầu tư dự án, đại biểu đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật và chính sách để thu hút tư nhân tham gia; thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng hạ tầng giao thông, thay vì Nhà nước phải tự đầu tư.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về chi phí đầu tư, tiến độ dự án. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 147 nghìn tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư 201 tỷ đồng/km (tính cả giải phóng mặt bằng) và không giải phóng mặt bằng là 175 tỷ đồng/km. Trong khi đó, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng/km, Cam Lâm - Vĩnh Hảo 122,6 tỷ đồng/km...
“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, nếu như chúng ta tính toán lại thì kinh phí chỉ khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng, suất đầu tư và tổng mức đầu tư cần phải tính toán lại”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc sử dụng dòng tiền cho phục hồi kinh tế vào đầu tư dự án này cần tính toán lại.
Về việc nhượng quyền thu phí để thu hồi ngân sách, đại biểu lo ngại khó có thể bù lại tiền nhà nước bỏ ra. Do đó, phải cân nhắc lại phương án huy động, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) bằng cách tách dự án giải phóng mặt bằng. “Nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với đầu tư xong, chúng ta cho người khác vận hành và thu phí”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng
Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) nhận định, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn làm ảnh hưởng đến dự án. Đồng tình với việc giao các dự án giải phóng mặt bằng cao tốc cho địa phương, đại biểu cũng cho rằng để thực hiện, cần có ngân sách trung ương bảo đảm.
“Cần áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện giải phóng mặt bằng và triển khai dự án”, đại biểu Trần Đình Gia nói.
Cũng liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, chỉ làm một lần cho toàn dự án, cần xác định chính xác quy mô đối với các làn xe cho phép phù hợp với tiềm năng vận hành, khả năng trung chuyển của cao tốc gắn với các cảng biển, cảng hàng không, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm.
Đồng tình với phương thức đầu tư công của dự án, tuy nhiên đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) đề xuất nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu nhằm huy động nguồn vốn ngoài nhà nước. Về quy mô làn xe của cao tốc, đại biểu đề nghị xem xét quy hoạch tổng thể, đồng bộ, bảo đảm tính lâu dài. Trong đó, cần thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đưa vào mốc lộ giới để tạo thuận lợi cho việc mở rộng cao tốc trong tương lai.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề nghị bố trí điểm chờ kết nối cao tốc với các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ trong tương lai… để nâng cao hiệu quả sử dụng cao tốc, qua đó giải quyết về dài hạn công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho địa phương về định hướng, thứ tự ưu tiên phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng mức đầu tư dự án được tính toán trên cơ sở khảo sát thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ sẽ hết sức thận trọng, bảo đảm đúng quy định và tiết kiệm nhất.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, thu hồi đất một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất được quy hoạch; tính toán tái định cư phù hợp với thực tiễn, tránh lãng phí hoặc làm tăng tổng mức đầu tư. Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ cố gắng giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, rất cần thiết có cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án. “Nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp, sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu có cơ chế đặc thù, sẽ rút ngắn mỗi bước đấu thầu khoảng 2 tháng, tổng thời gian tiết kiệm được 6-9 tháng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên họp đã có 21 đại biểu phát biểu thảo luận. Đa số thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.