Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không phải chịu thiệt...

Minh An| 08/04/2017 07:10

(HNM) - Thể thao Việt Nam đã từng không ít lần chịu thiệt trên đấu trường quốc tế chỉ bởi các huấn luyện viên, vận động viên và cả đội ngũ quản lý, trọng tài yếu về ngoại ngữ. Thế nên, mới đây khi cả đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia được một trung tâm đào tạo tiếng Anh

Huấn luyện viên (HLV) Bùi Xuân Hà của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia từng có không ít trải nghiệm với vốn tiếng Anh ít ỏi khi ra đấu trường quốc tế. Anh chia sẻ: Cảm giác yếu ngoại ngữ khiến người trong cuộc như bị bó chân, bó tay. Ví như chuyện môn bóng bàn đã từng có HLV đi dự giải trẻ khu vực Đông Nam Á nhưng không thể khiếu nại với Ban tổ chức giải trong tình huống vận động viên (VĐV) nhà đúng mười mươi. Ban tổ chức không đồng ý để HLV trình bày, với lý do đơn giản “chỉ nói bằng tiếng Anh”.


Một buổi luyện tiếng Anh sau giờ tập của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia.


Gần đây nhất, khi đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia tham dự giải trẻ Đông Nam Á 2017 ở Philippines, cả đội tuyển đều không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, trong khi VĐV nhiều đoàn khác lại thành thạo. Lãnh đạo của đội cho biết, khi ấy ông đương nhiên phải làm phiên dịch bất đắc dĩ cho VĐV và ao ước học trò có thể giao tiếp bằng tiếng Anh như các đội bạn. Rồi hàng loạt cuộc tập huấn dài hạn tại nước ngoài của thể thao Việt Nam ở đội bơi, điền kinh… đã thất bại, một phần vì VĐV không thể giao tiếp.

Không chỉ có VĐV, mà ngay cả các nhà quản lý và HLV, trọng tài cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Vậy nên điền kinh Việt Nam hiện nay vẫn chưa có trọng tài quốc tế, dù trình độ không thua kém các trọng tài khác. Môn bóng bàn từ nhiều năm nay cũng mới chỉ có hai trọng tài quốc tế. Môn cử tạ, chưa có trọng tài quốc tế do không ai đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ. Chuyện ở môn bóng chuyền cũng tương tự. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã từng phải từ chối một số suất học bổng HLV quốc tế chỉ vì không tìm được HLV biết tiếng Anh...

Phải được học và tự học

HLV Bùi Xuân Hà cho biết, khi trở thành nhà quản lý cũng như khi còn tham gia thi đấu, việc đầu tiên của anh là học tiếng Anh để giao tiếp được khi ra đấu trường quốc tế. Nhiều kiến thức, thông tin về sự phát triển bóng bàn thu lượm qua các cuộc nói chuyện tại các giải đấu quốc tế đã giúp ích rất nhiều cho anh sau này. Thế nên, khi làm HLV trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, anh đã cùng Ban huấn luyện quyết định thu xếp thời gian để các học trò học tiếng Anh với mục tiêu để VĐV tự tin, có thể học hỏi nhiều hơn khi thi đấu, giao lưu với các HLV, VĐV nước ngoài và quan trọng hơn là không phải chịu thua thiệt nhiều vì yếu ngoại ngữ.

Điều ấy cũng sẽ giúp hình ảnh các VĐV bóng bàn ấn tượng hơn trên đấu trường quốc tế.

HLV Bùi Xuân Hà chia sẻ, chính hình ảnh các cầu thủ bóng đá của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG giao tiếp tự tin với người nước ngoài đã tiếp thêm động lực cho anh và Ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. Việc để VĐV đi học tiếng Anh đã có thuận lợi khi Trung tâm tiếng Anh Headstart quyết định hỗ trợ toàn bộ học phí khóa giao tiếp cho các tuyển thủ trẻ bóng bàn Việt Nam. Thậm chí, Trung tâm này còn khẳng định, chỉ khi các tuyển thủ giao tiếp bằng tiếng Anh ở mức tốt nhất thì khóa học mới kết thúc.

Nhưng theo HLV Bùi Xuân Hà, điều quan trọng nhất vẫn là cách tổ chức lớp học để các tuyển thủ có thể theo khóa học đến cùng. Chỉ khi Ban huấn luyện quyết tâm và phân bổ thời gian học hợp lý thì VĐV mới có thể thực hiện được trọn vẹn. Đây cũng là vấn đề "vướng" nhất với nhiều đội tuyển, bởi VĐV không thể theo học tiếng Anh sau những buổi tập căng thẳng. Hơn nữa, nếu HLV, đơn vị chủ quản không quyết tâm, không coi trọng việc học ngoại ngữ sẽ khiến sức ì ở VĐV lớn hơn.

Hiện nay, cũng có nhiều VĐV tự học để tự tin khi đi thi đấu quốc tế. Và họ đều là những VĐV thành công. Như trường hợp cựu tuyển thủ Lê Công Vinh đã tự học tiếng Anh trong thời gian thi đấu để rồi anh thu lượm thêm được nhiều kiến thức hữu ích khi giao tiếp thường xuyên với các nhà quản lý, HLV và cầu thủ nước ngoài. Ở đội cờ vua Hà Nội, kỳ thủ 17 tuổi Trần Minh Thắng cũng đã giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh sau quá trình tự học để có thể tự tin ra nước ngoài tập huấn, thi đấu hay học cờ qua internet với chuyên gia nước ngoài. Ở môn cầu lông, Nguyễn Tiến Minh đã một mình đi thi đấu nước ngoài từ nhiều năm nay…

Tất cả mọi người đều hiểu rõ, ngoại ngữ tốt sẽ giúp HLV, VĐV, trọng tài cập nhật được nhiều kiến thức, xu hướng huấn luyện trên thế giới. Vậy nên, để không bị thua thiệt trên đấu trường quốc tế, nhất thiết những người theo đuổi nghiệp thể thao chuyên nghiệp cần phải trang bị cho mình những kỹ năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ phải được nhận thức thông suốt từ VĐV, HLV, trọng tài đến các nhà quản lý, có như vậy việc tổ chức lớp học mới được khoa học, hợp lý, không gây ảnh hưởng tới công tác huấn luyện chuyên môn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để không phải chịu thiệt...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.