Chất lượng không khí đang trở thành một trong những mối quan tâm lớn của người dân Hà Nội, nhất là khi các chỉ số đo lường ô nhiễm nhiều ngày liên tiếp ở ngưỡng xấu, rất xấu, thậm chí nguy hại. Không khí là tài nguyên thiết yếu, là điều kiện căn bản để bảo đảm sức khỏe, chất lượng sống cho cộng đồng.
Chính vì vậy, việc cải thiện chất lượng không khí không còn là vấn đề môi trường đơn thuần mà trở thành đòi hỏi cấp thiết gắn với sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là khí thải từ phương tiện giao thông chiếm 56,1%, hoạt động sản xuất công nghiệp - làng nghề chiếm 22,2%... Đặc biệt, vào mùa hanh khô, hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn (PM2.5) lơ lửng trong khí quyển tầng thấp khiến chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng.
Mặt khác, việc đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, trong khi không gian cây xanh và mặt nước chưa được mở rộng tương xứng cũng góp phần làm giảm khả năng điều tiết môi trường tự nhiên.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng không khí. Cùng với việc lắp đặt các trạm quan trắc không khí cố định và di động giúp theo dõi, đánh giá tình hình ô nhiễm theo thời gian thực, thành phố đã đẩy mạnh các biện pháp như: Xóa bỏ bếp than tổ ong, chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu sạch, tăng tỷ lệ rác thải xử lý bằng công nghệ hiện đại, mở rộng mảng xanh đô thị… Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, một phần vì thiếu sự đồng bộ trong chính sách, một phần vì nhận thức và thói quen sinh hoạt của người dân chưa thay đổi rõ nét.
Để không khí Hà Nội sạch hơn, trước hết, cần xác định cải thiện chất lượng không khí là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không thể chỉ dựa vào những biện pháp tình thế. Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý và quy hoạch môi trường không khí, tích hợp chặt chẽ với quy hoạch xây dựng, giao thông, công nghiệp và phát triển không gian xanh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các nguồn phát thải gây ô nhiễm, đặc biệt tại các khu công nghiệp, làng nghề, công trường xây dựng lớn.
Đối với giao thông - lĩnh vực có lượng lớn phát thải khí bụi, cần đẩy nhanh lộ trình phát triển giao thông công cộng, mở rộng vùng cấm xe máy theo từng giai đoạn, khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện môi trường; đồng thời, nâng cao chất lượng vận hành các tuyến xe điện, đường sắt đô thị để thu hút người dân tham gia.
Ở cấp cơ sở, vai trò của chính quyền phường, xã là hết sức quan trọng. Việc tuyên truyền, vận động người dân không đốt rác, không sử dụng than tổ ong, trồng cây xanh tại khu dân cư… cần được thực hiện thường xuyên, liên tục đi đôi với kiểm tra xử lý vi phạm. Đây cũng là nơi có thể khởi xướng các mô hình “Tổ dân phố xanh”, “Ngõ sạch, nhà xanh”, tạo sự lan tỏa từ những hành động nhỏ mà thiết thực.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và công khai dữ liệu môi trường để người dân chủ động điều chỉnh hành vi, kế hoạch sinh hoạt. Việc hợp tác với các viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế để tiếp cận các giải pháp quản lý không khí thông minh, mô hình thành phố xanh - sạch - sống tốt là hướng đi cần được phát huy.
Thực tế cho thấy, việc cải thiện chất lượng không khí không thể thành công nếu thiếu sự tham gia chủ động, tự giác của người dân. Bởi vậy, mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình cần thay đổi thói quen sử dụng năng lượng, phương tiện, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống chung. Chính cộng đồng dân cư là lực lượng giám sát và đồng hành hiệu quả nhất trong các chiến dịch bảo vệ môi trường.
Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại - mục tiêu đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi người dân được hít thở trong bầu không khí trong lành, được sống khỏe mạnh giữa thiên nhiên cân bằng. Để làm được điều đó, chúng ta phải hành động ngay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.