Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không còn tiếng pháo nổ…

Chu Dũng| 23/01/2021 07:01

(HNM) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt video hướng dẫn tự chế pháo nổ, khiến một số học sinh bắt chước làm theo. Ngoài ra, có tình trạng nhiều người hiểu chưa đúng về quy định được đốt pháo hoa. Để Tết đến, Xuân về bình yên không còn tiếng pháo, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 15 (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra tang vật một vụ vận chuyển pháo nổ tại huyện Sóc Sơn.

Nguy hại từ thông tin trên mạng

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết, ngày 23-12-2020, tổ công tác Công an huyện Thanh Trì và Công an xã Thanh Liệt đã thu giữ 32 quả pháo tự chế, trong đó có 14 quả đường kính lên tới 7cm, dài 20cm của nhóm 3 học sinh. Tại cơ quan Công an, các học sinh này khai nhận, giữa tháng 11-2020 đã lên mạng xã hội để học cách chế tạo pháo và đặt mua nguyên liệu. Tự chế pháo xong, 3 học sinh rủ nhau đi bán cho khách đặt mua qua mạng thì bị phát hiện.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Công an nhân dân - Bộ Công an), không khó để tìm kiếm những clip hướng dẫn tự chế pháo đang tràn lan trên mạng xã hội. Trong đó, riêng clip làm pháo diêm đón Tết 2021 có tới 156.000 lượt xem sau 2 tuần đăng tải. Từ công thức làm thuốc pháo, kỹ thuật làm pháo bông, pháo tép, pháo ném đều được hướng dẫn tỉ mỉ. “Nếu gia đình nào không chú ý quản lý con, nhất là với trẻ nam từ 14 đến 17 tuổi thì sẽ rất nguy hại nếu các cháu bắt chước tự chế pháo”, Trung tá Đào Trung Hiếu cảnh báo.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết: “Điều đáng nói là các video hướng dẫn tự chế pháo còn nhấn mạnh cách làm của mình an toàn, không gây nguy hiểm”.

Không chỉ có hành vi tự chế pháo, tình trạng hiểu sai lệch về Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021) cũng đã và đang diễn ra. Anh Vũ Đình Mạnh (phường Long Biên, quận Long Biên) thừa nhận: “Tôi đã mua qua mạng một vài cây pháo hoa phát tiếng nổ để chơi Tết, được người bán nói là không vi phạm luật. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi mới biết đây là loại không được phép sử dụng”.

Thực tế, những người chưa nắm rõ các quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP như anh Mạnh không ít. Vì thế, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, công tác tuyên truyền quy định này cũng như việc cấm đốt pháo nổ, tự chế pháo nổ trong những ngày cận Tết cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định “pháo hoa không phát ra tiếng nổ” được phép đốt là loại tạo ra ánh sáng, màu sắc, âm thanh chỉ “xẹt xẹt”, chứ không phát tiếng nổ. Có thể kể đến một số loại như pháo đốt, cắm trên bánh sinh nhật hoặc loại pháo hay dùng trong đám cưới, tân gia, lễ động thổ, khai trương…

Còn “pháo hoa nổ” là loại tạo ra tiếng rít và tiếng nổ, có hiệu ứng màu sắc trong không gian. “Loại pháo hoa nổ tiếp tục bị cấm, nghĩa là người dân không được mua, bán, sử dụng. Pháo hoa nổ chỉ được sử dụng theo giấy phép và phải đăng ký trước; việc bắn pháo hoa nổ do quân đội phụ trách”, Đại tá Vũ Minh Hùng nhấn mạnh.

Theo Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội), việc hiểu sai bản chất của Nghị định 137/ 2020/NĐ-CP vô tình khiến nhiều người vi phạm pháp luật, nhất là vào thời điểm cận Tết. Theo quy định, hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức đều bị cấm. Người nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo nổ hay thuốc pháo đều bị xác định là vi phạm pháp luật.

Trước tình hình trên, Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết, Công an huyện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền Nghị định 137/2020/NĐ-CP và chế tài đi kèm tại các địa bàn dân cư. Công an huyện đã treo băng rôn với các nội dung tuyên truyền về nghị định tại nhà văn hóa, cổng trường học và qua hệ thống loa truyền thanh.

Còn ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết, việc phổ biến kiến thức để người dân nắm rõ Nghị định 137/2020/NĐ-CP luôn được địa phương quán triệt. Qua đó, nhân dân trên địa bàn hiểu rõ chỉ được phép mua pháo hoa do các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán theo đúng quy định.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến thông tin, Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với lực lượng Công an thành phố thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền về cấm chế tạo, mua bán, sử dụng pháo nổ; đồng thời yêu cầu học sinh ký cam kết bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Tân Sửu.

“Ngoài trách nhiệm của nhà trường, các đoàn thể thì phụ huynh cần chung tay giám sát con em mình khi sử dụng mạng internet; phân tích cho các em về tác hại của việc tự chế pháo nổ, loại pháo hoa nào được mua và sử dụng”, Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Đức Tiến chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để không còn tiếng pháo nổ…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.