Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để học sinh không bị gián đoạn việc học tập: Chủ động tháo gỡ khó khăn

Thống Nhất| 17/09/2021 06:11

(HNMO) - Hơn 1,5 triệu học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã bước sang tuần học trực tuyến thứ hai của năm học 2021-2022 với nhiều thách thức. Cùng với việc huy động sự chung sức của toàn xã hội, những khó khăn đặt ra đang được ngành Giáo dục Thủ đô chủ động tháo gỡ bằng nhiều giải pháp với quyết tâm không để học sinh nào bị gián đoạn việc học tập.

Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) trong một buổi học trực tuyến với sự trợ giúp của phụ huynh. Ảnh: Minh Đức

Linh hoạt, chủ động để dạy, học tốt

Từ ngày 6-9-2021, học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 ở Hà Nội chính thức học trực tuyến theo kế hoạch năm học 2021-2022; riêng học sinh lớp 1 có hai tuần đệm để làm quen với việc học trực tuyến và chính thức học từ ngày 13-9.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các trường đã tổ chức dạy học trực tuyến theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ học sinh học trực tuyến cao (tiểu học, trung học cơ sở đạt trên 99%, trung học phổ thông đạt gần 100%). Tuy nhiên, quá trình dạy học trực tuyến cũng đặt ra những khó khăn. Nhiều học sinh vẫn còn phải dùng chung thiết bị với bố, mẹ; còn trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường không đồng đều; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên còn hạn chế… Với quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng duy trì dạy, học tốt, các trường đều chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, hầu hết học sinh bắt nhịp nhanh với việc học tập. Nhằm hạn chế tình trạng nghẽn mạng, các trường đều linh hoạt trong việc xây dựng thời khóa biểu; trong đó, học sinh tiểu học thường học buổi chiều hoặc tối, còn học sinh trung học cơ sở học buổi sáng. Giáo viên căn cứ vào đối tượng học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng học.

Mối lo nhất của phụ huynh về việc học sinh lớp 1 học trực tuyến thế nào cũng phần nào được giải tỏa. Cô giáo Trịnh Thị Hằng, giáo viên lớp 1A7, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) thông tin, để khắc phục khó khăn trong việc dạy tập viết, mỗi giáo viên lớp 1 của trường tự trang bị một thiết bị camera để học sinh có thể quan sát hình ảnh tay của cô giáo cầm bút, đặt điểm viết. Thời lượng học tối đa mỗi ngày của học sinh chỉ là 3 tiết.

Bà Kiều Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Dù còn khó khăn, song gia đình tôi xác định việc học trực tuyến có thể sẽ kéo dài nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nên đã dành dụm tiền mua máy tính cho con học, thay vì sử dụng điện thoại thông minh". 

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) giảng bài trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Nhật Nam

Giảm áp lực

Quan tâm, hỗ trợ, giảm áp lực về tài chính và chương trình học là giải pháp đang được ngành Giáo dục thực hiện. Ngày 10-9-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn dạy học với học sinh tiểu học theo hướng tinh giản, giảm các bài tập khó; riêng với học sinh lớp 1 và lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới và các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của 10 môn đã được ban hành vào tháng 3-2020.

Là địa bàn có ổ dịch còn diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục quận Thanh Xuân ưu tiên cao nhất việc hỗ trợ giáo viên, học sinh khắc phục khó khăn. “Với sự chung sức từ các nhà trường và nhiều nhà hảo tâm, chiều 14-9, chúng tôi đã trao gần 200 triệu đồng hỗ trợ cho 77 giáo viên, học sinh diện F0 và 240 giáo viên, học sinh thuộc diện F1; tặng 50 máy tính (trị giá gần 330 triệu đồng) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu thông tin.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường cho biết, phòng đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh việc xây dựng kho học liệu dùng chung để hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy học. Căn cứ thực tế, các trường rút ngắn thời gian tiết học trực tuyến, tăng thời gian nghỉ giữa hai tiết để không gây quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Em Trần Nguyễn Thu Trang, lớp 12D8, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy bày tỏ: “Em bớt áp lực và lo lắng khi biết thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học trên tinh thần tạo điều kiện tối đa, không để học sinh thiệt thòi”.

Còn theo thông tin từ Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, tính đến ngày 16-9, chương trình “Máy tính cho em” đã quyên góp được 6.100 thiết bị và đang được lan tỏa, hỗ trợ kịp thời cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cấp 40.000 tài khoản cho giáo viên để phục vụ dạy học trực tuyến miễn phí, không giới hạn; giới thiệu thêm một số phần mềm dạy học hữu ích để các nhà trường lựa chọn sử dụng cho phù hợp, hiệu quả. 

“Để có thêm kênh học tập cho học sinh, bảo đảm việc học của mọi học sinh không bị gián đoạn, Sở đang tham mưu với UBND thành phố tổ chức chương trình dạy học trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dạy, học để học sinh đạt được các yêu cầu theo quy định...”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để học sinh không bị gián đoạn việc học tập: Chủ động tháo gỡ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.