(HNM) - Điều nghịch lý cho thực trạng an toàn giao thông ở ngoại thành là đường sá càng rộng, càng đẹp, số vụ tai nạn giao thông càng gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân và có cách nào để giải quyết nghịch lý này?
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố, năm 2013, toàn thành phố xảy ra hơn 2 nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT) thì tại 18 huyện ngoại thành chiếm hơn 1.486 vụ, làm chết 434 người, bị thương 1.441 người. Sang năm 2014, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân Giáp Ngọ, TNGT xảy ra ở khu vực ngoại thành chiếm tới 70% số vụ của toàn thành phố.
Đánh giá của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho thấy, nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông ở ngoại thành thuộc về cả hạ tầng cơ sở và ý thức người tham gia giao thông.
Đội CSGT số 10 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra, xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ 21B. Ảnh: Hoàng Phong |
Sau 6 năm sáp nhập địa giới hành chính, nhiều huyện ngoại thành triển khai chương trình nông thôn mới đã xây dựng, tu bổ hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất, kinh doanh. Con số 70% tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp bê tông hóa, trải thảm nhựa giúp tăng năng lực lưu thông phương tiện thực sự có ý nghĩa với người dân ở ngoại thành. Nhưng sự kết nối hạ tầng chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông ở mức cao. Có thể kể đến những điểm đen về tai nạn giao thông như quốc lộ 1A huyện Thường Tín, nút giao thông Mũi Giáo - Đường Lâm, ngã ba Chốt Nghệ (QL 32 - QL 21), ngã tư Viện 105… ngoài ra còn rất nhiều điểm giao cắt nguy hiểm giữa các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường ngang đường sắt không có người gác… mà lại thiếu nghiêm trọng hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng. Trong đó phải kể đến các đoạn đường trong khu đô thị mới đang xây dựng xuất hiện nhiều vật cản ngáng đường như cục bê tông, đống vật liệu xây dựng hay những hố ga không có nắp đậy...
Cùng với đó là thói quen đi lại tùy tiện, tự do của người dân ở ngoại thành chưa dễ thay đổi, dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện kém. Những hành vi vi phạm an toàn giao thông phổ biến nhất là không đội mũ bảo hiểm, chở ba, bốn người, lạng lách đánh võng, không đi đúng phần đường quy định, thay đổi hướng đi không có báo hiệu, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông… đã gây TNGT cho chính bản thân người dân và người điều khiển phương tiện khác.
Trước tính chất phức tạp có chiều hướng gia tăng của TNGT ở ngoại thành, Ban An toàn giao thông thành phố đã xây dựng kế hoạch và chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thông qua các tổ, hội, đoàn thể tổ chức vận động người dân ở ngoại thành tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ quy định về tốc độ, chú ý quan sát khi đi từ đường nhỏ ra đường chính, không sử dụng rượu, bia khi lái xe…
Phát huy hiệu quả và đóng vai trò nòng cốt nhất trong tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông ở ngoại thành phải kể đến Hội Nông dân thành phố Hà Nội.
Ông Kiều Chí An - Trưởng ban Xã hội - Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: Năm qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức 16 lớp tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho gần 2.000 cán bộ, hội viên nông dân các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Từ Liêm, Sơn Tây, Hà Đông, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy... Các cấp hội nông dân trong thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia trật tự an toàn giao thông, tích cực thực hiện các quy định do Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố đề ra. Hướng dẫn các cấp hội huyện, quận, thị phối hợp với ngành giao thông cùng cấp tổ chức 55 lớp truyền thông về công tác trật tự an toàn giao thông, với 6.600 cán bộ, hội viên nông dân các cơ sở và chi hội tham gia. Nội dung tuyên truyền do Ban chấp hành Hội Nông dân đề ra rất ngắn gọn, súc tích trên tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuyết phục như "10 không khi tham gia giao thông", đưa nội dung Luật Giao thông đường bộ, chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bằng hình ảnh để người nghe dễ nhận biết và tiếp thu nhanh chóng. Các báo cáo viên trực tiếp phân tích chi tiết những nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là tác hại sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông….
Để giảm tối đa số vụ TNGT ở ngoại thành, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân TP Hà Nội đã lập kế hoạch kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ từ hạ tầng đến công tác quản lý, kiểm tra, xử lý với lực lượng chức năng. Tháng 9 tới đây sẽ là đợt cao điểm để tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông cho người tham gia giao thông ở ngoại thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.