(HNM) - Ngày 19-7, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với tỉnh Lâm Đồng về tình hình hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn, lãnh đạo của nhiều HTX thẳng thắn nêu những khó khăn trong hoạt động.
Đặc biệt trong đó là vấn đề vay vốn. Chỉ cần nghe đối tượng vay vốn là HTX thì các ngân hàng lập tức… lắc đầu liền. Thời buổi này, làm ăn mà không có vốn thì làm sao có tiền mua máy móc phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, rồi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…
Trên thực tế, Chính phủ cũng đã có chủ trương, chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp. Thêm nữa, thời điểm này, các ngân hàng cũng rất muốn khai thác, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn. Dòng tiền, nói cách khác là nguồn vốn mà… nhàn rỗi, để yên một chỗ, làm sao sinh lợi nhuận? Vậy tại sao bên cần vốn, bên muốn cho vay lại không gặp nhau ở một điểm chung?
Các HTX muốn vay vốn, còn các ngân hàng lại… né tránh vì xét cho cùng là mấy "ông" giữ tiền lo ngại thất thoát nguồn vốn. Nói cách khác, là bên cho vay "sợ" bên vay sử dụng đồng tiền không hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mà dùng nguồn vốn để làm ăn không hiệu quả thì làm sao có thể trả nợ sòng phẳng?
Những suy nghĩ nêu trên không phải không có lý do. Lấy thí dụ, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 103 HTX nông nghiệp, nhưng số HTX hoạt động khá hiện chỉ chiếm 35% với 36 HTX, trong đó chỉ mới 14 HTX chuyển đổi sang mô hình mới. Đây cũng không là chuyện của riêng địa phương này. Tại hội nghị đối thoại chính sách về HTX nông nghiệp diễn ra mới đây tại Hà Nội, theo số liệu thống kê, hết năm 2014 cả nước có 10.446 HTX nông nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, diêm nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp.
Trong số này, chỉ có khoảng 10% tổng số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả cao, có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và liên kết với các doanh nghiệp. Một số liệu khác, mặc dù đã có Luật HTX 2012 và Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 được ban hành, song 2 năm qua, số lượng HTX tăng không nhiều so với thời gian trước.
Hiện bình quân số HTX thành lập mới là khoảng 800 HTX/năm, trong khi số HTX phải giải thể do hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động là khoảng 550 HTX/năm. Đặc biệt, tính tới thời điểm này, nhiều HTX nông nghiệp vẫn chưa thay đổi phương thức hoạt động theo Luật HTX 2012, cách thức hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức cũ.
Đa số các HTX nông nghiệp chỉ tập trung hoạt động các dịch vụ "đầu vào" cho sản xuất nông nghiệp như cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng… Và một con số khác cũng rất đáng chú ý, hiện chỉ có 9% HTX thực hiện các dịch vụ quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Trong giai đoạn hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, vai trò của HTX trong sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng, bởi nếu từng người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì rất khó cạnh tranh, nhất là trong giai đoạn hội nhập. Như vậy, việc cần có cơ chế, chính sách phù hợp để các HTX tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng.
Song cùng với đó, các HTX cũng phải tự thân vận động nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp thiết thực trong hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, giải quyết việc làm, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới... Có thế, mấy "ông" cầm tiền mới hết… ngại cho vay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.