(HNM) - Nhiều năm nay, những vấn đề như được mùa mất giá, hàng sản xuất trong nước do qua nhiều khâu trung gian nên bị
Hệ thống phân phối hàng hóa có nhiều nhược điểm khiến sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng có giá quá cao so với thực tế.Ảnh: Linh Tâm
Một vài ví dụ dưới đây sẽ làm rõ hơn về những "gót chân Ashin" - điểm yếu của hệ thống phân phối Việt Nam, đó là: Dừa quả ở Bến Tre thời gian này chỉ 10.000đ - 12.000đ/1 chục (12 quả) không có ai mua, trong khi đó ở phía Bắc vẫn là 15.000 - 17.000đ/1 quả dừa là phổ biến. Một quả trứng hiện nay phải đi qua 5 lần kiểm dịch với chi phí gần 200đ/quả mới đến tay người tiêu dùng. Một con heo xuất chuồng ở tỉnh Tiền Giang phải đóng 5 loại phí bao gồm: phí kiểm dịch, lệ phí kiểm dịch vận chuyển, phí tiêu độc… Cá ngừ đại dương ở Phú Yên, ngư dân bán được với giá loại 1 là 300.000đ/kg nhưng nếu bị thương lái "ép" giá, từ loại 1 có thể tụt xuống loại 3 với giá chỉ 120.000đ/kg. Cá thu ở Thanh Hóa bán buôn là 120.000đ/kg nhưng về đến Hà Nội (cách xa 170km) đã vọt lên 230.000đ, thậm chí 280.000đ/kg... Đường kính trắng, dầu ăn các loại các siêu thị ở Hà Nội hầu hết đều phải mua qua 1 đến 3 đại lý, không bao giờ mua trực tiếp được ở nhà máy để bán cho người tiêu dùng với một giá hợp lý... Một ví dụ "xa" hơn: Bất chấp việc giá gạo thế giới giảm mạnh và xuất khẩu gạo của Thái Lan giảm 38% trong năm 2011 (là một mức xuất khẩu thấp nhất trong vòng 10 năm qua), tân Thủ tướng Thái Lan Shinawatra vẫn đưa ra chính sách trợ giá mua lúa khiến nông dân rất phấn khởi vì bán được lúa giá cao, đồng thời giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trong một, hai năm gần đây khá ổn định. Đây là bài học thành công trong việc khoan sức dân để phát triển sản xuất của Chính phủ Thái Lan. Còn ở Việt Nam, lợi ích của chuỗi lúa gạo từ sản xuất đến tiêu thụ hầu hết đang rơi vào tay các doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái mà không phải người trực tiếp làm ra là nông dân. Người dân không thể bán được lúa với giá cao do doanh nghiệp thu mua tạm trữ luôn "ép" giá thấp để cạnh tranh với nhau và cả với doanh nghiệp các nước trong xuất khẩu gạo.
"Gót chân Ashin" của hệ thống phân phối Việt Nam đã lộ ra thật rõ ràng và cần được khắc phục sớm trên cơ sở phải tuân theo các quy luật kinh tế cơ bản của sự vận động hàng hóa, các quy luật giá trị, phân phối, phân phối lợi nhuận của từng khâu trong quá trình tái sản xuất và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Từ tầm vĩ mô là Nhà nước cần có sự quan tâm hơn đến tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống phân phối quốc gia - mạch máu quan trọng của quá trình tái sản xuất xã hội. Nhà nước điều hành thống nhất về quy hoạch phát triển sản xuất phân phối trong phạm vi cả nước, bao gồm quy hoạch cùng sự phát triển theo thế mạnh của từng vùng và có sự phân công ở tầm nhìn quốc gia (tầm nhìn xa từ 30 đến 50 năm); tạo điều kiện cho sự liên kết hợp tác sản xuất - phân phối giữa các vùng, miền, giữa các tỉnh thành trong cả nước thành một tổng thể thống nhất, chống cục bộ, địa phương và "nhóm lợi ích", chống độc quyền; tổ chức dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu; làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế… những người vi phạm pháp luật phải bị nghiêm trị.
Đối với người tiêu dùng, hơn lúc nào hết cần có nhận thức đúng đắn về hàng hóa sản xuất trong nước để tiêu dùng một cách hợp lý, khoa học và tiết kiệm hơn; có trách nhiệm tham gia góp ý cho hệ thống phân phối Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của mình và sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước; không sử dụng hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, hàng không bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện báo các cơ quan nhà nước những khiếm khuyết của sản phẩm hàng hóa nội địa cùng các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp trong sản xuất- kinh doanh tại thị trường nội địa.
Thế nên, các nhà quản lý, cơ quan có trách nhiệm hãy giảm bớt những lời hoa mỹ, hô hào chung chung mà cần làm những gì thiết thực để mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả, của cải vật chất… một cách bền vững, an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.