(HNM) - Theo thống kê của cơ quan công an (CA), có đến hơn một nửa số vụ trộm cắp xảy ra vào ban đêm, trong đó đặc biệt là các vụ đột nhập, trộm cắp tài sản lớn.
Thời gian gần đây, cơ quan CA liên tục ghi nhận các vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong khoảng thời gian tối - đêm. Tại một số tụ điểm quán bar, quầy rượu, nhà hàng ăn uống, nhiều vụ va chạm, ẩu đả để lại hậu quả rất nghiêm trọng, có khi trở thành án mạng. Những tụ điểm ồn ào như vậy luôn tiềm ẩn nguy hiểm, như "thùng thuốc nổ", chỉ cần ánh mắt, lời nói có vẻ "đụng chạm" là mâu thuẫn, xô xát có thể bùng phát ngay. Gần đây nhất, chỉ vì mâu thuẫn, va chạm trong việc chiếm chỗ, đặt bàn tại một cửa hàng ăn khuya, đêm 23-12-2011, hai nhóm côn đồ lao vào ẩu đả, nổ súng trên đường Giảng Võ (quận Ba Đình), làm một người bị thương. Trước đó không lâu, 23h15 ngày 21-12-2011, tại quán bia trên phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm), xảy ra mâu thuẫn đánh nhau giữa hai nhóm đối tượng ngồi uống bia cũng dẫn đến nổ súng bắn nhau làm 3 người bị thương...
Tại các địa bàn vắng người qua lại, bóng tối cũng dễ trở thành đồng lõa với kẻ gian. Những khu vực tối, vắng, xa nhà dân dễ trở thành địa bàn để tội phạm cướp xe ôm, cướp taxi. Đây cũng là địa bàn dễ xảy ra các vụ cướp xe máy. Như vụ việc tối 24-12-2011, chị Ngô Thị Diệp (SN 1970, ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ) đi xe máy trên đê sông Bùi, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, bị 4 đối tượng đi trên 2 xe máy ép xe, đánh, cướp 1 túi xách có tiền, 1 dây chuyền vàng, 1 điện thoại di động, tổng trị giá 11 triệu đồng.
Đêm tối cũng là thời gian tội phạm trộm cắp dễ hoành hành, nhất là vào mùa giáp Tết. Thời điểm này, người dân thường thu vén, gom nhiều tài sản lại, đêm trời lạnh dễ ngủ say, chỉ cần một chút sơ sảy cửa ngõ, lơi là đề phòng là tạo cơ hội cho kẻ gian đột nhập. Tối 24-12-2011, gia đình bà Nguyễn Thị Hảo (SN 1952, ở tổ 6, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) phát hiện bị kẻ gian đột nhập vào nhà, lấy trộm 550 triệu đồng, 9 cây vàng ta, 12 chỉ vàng tây, nhiều ngoại tệ các loại và một số tài sản. CA cho rằng kẻ gian đã trèo qua tường lên ban công tầng 2 rồi dùng dụng cụ phá cửa để đột nhập...
Yêu cầu khép kín thời gian, địa bàn
Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, công tác bảo đảm ANTT từ buổi tối hôm trước cho đến rạng sáng hôm sau chủ yếu dựa vào lực lượng tuần tra kiểm soát của Trung đoàn CSCĐ. Gần đây, với việc thành lập các tổ công tác "liên quân", công tác tuần tra kiểm soát buổi tối được tăng cường. Song, lực lượng bảo vệ ANTT ban đêm có vẻ vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu. Bởi thực tế, cùng với nhịp phát triển của xã hội, các hoạt động về đêm ngày càng sôi động, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đe dọa TTATXH.
Từ nhiều năm nay, CSCĐ là lực lượng chủ công trong việc tuần tra kiểm soát ban đêm. Theo đánh giá của CATP, hiệu quả công tác của lực lượng này không tồi. Song, lực lượng này cũng còn mỏng so với địa bàn Thủ đô đã mở rộng. Bên cạnh đó, việc tuần tra của CSCĐ vẫn còn đơn thuần là tuần tra kiểm soát trên tuyến, chưa mang tính chất làm chủ địa bàn. Lực lượng 5 tổ "liên quân" được triển khai 5 tháng qua cũng mới chú trọng kiểm soát các tuyến giao thông chính, nhằm vào các nghi vấn từ vi phạm TTATGT. Về đêm, lực lượng CA cơ sở cũng giảm bớt quân số, chỉ còn CBCS trực ban, không đủ bao quát địa bàn. Công tác tuần tra nhân dân dựa vào lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng ở một số địa bàn đã được duy trì tốt, nhưng theo đánh giá của CATP, nhiều nơi còn mang tính hình thức, nhìn chung hiệu quả chưa có, ít phát hiện được vụ việc "nóng"...
Trước mắt, khi cao điểm bảo vệ Tết bước vào giai đoạn quyết định, CATP đã có kế hoạch, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ cũng như CA các địa phương tăng cường lực lượng ứng trực, bảo đảm khép kín địa bàn, thời gian; tăng cường bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, các khu vực giáp ranh, khu vực công cộng. Hiện, CATP đã yêu cầu CA quận Hai Bà Trưng thí điểm việc nâng quân số lực lượng ứng trực tối, tăng mật độ tuần tra kiểm soát... Nhưng về lâu dài, trước đòi hỏi ngày càng cao của công tác bảo vệ ANTT buổi tối và ban đêm, việc bố trí lực lượng của CATP và CA các quận, huyện, phường, xã phải được đổi mới. Ngay cả khi không nằm trong "cao điểm", việc tuần tra, kiểm soát đêm cũng phải được chú trọng và tổ chức thực hiện với yêu cầu quyết liệt hơn nữa để khép kín được thời gian và địa bàn. Có như vậy, tội phạm mới có thể được ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.