(HNM) - Với mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước, Hà Nội coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhiều mô hình đang được nhân rộng, đặc biệt Hà Nội đang chuẩn bị các bước để phấn đấu đến năm 2020, thành lập 200.000 doanh nghiệp.
Cụ thể hóa các giải pháp
Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp”, “tinh thần khởi nghiệp” được nhắc tới nhiều và lan tỏa mạnh mẽ đến như vậy. Hà Nội là Thủ đô, nơi tập trung nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nên được kỳ vọng sẽ đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.
Những năm trước, Hà Nội đã có một “làn sóng” khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghệ, nông nghiệp, tài chính, kinh doanh…, tạo ra những giá trị kinh tế mới. Tuy nhiên, có một thực tế là có đến 80% số doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn; khả năng cạnh tranh, kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh còn yếu. Vì thế, không ít dự án khởi nghiệp không đi đến đích thành công.
Để thành lập 200.000 doanh nghiệp mới trong 5 năm tới (tương đương với số doanh nghiệp hiện có), với nhiều chính sách ưu đãi để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, chấp nhận cái mới với nhiều sáng kiến khuyến khích hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài. Một môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân yên tâm khởi nghiệp và đầu tư chính là động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân, huy động nhân lực, vật lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế Thủ đô.
Vậy, Hà Nội sẽ triển khai như thế nào? Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, nhiều giải pháp sẽ được áp dụng như khuyến khích khởi nghiệp bằng cách cụ thể hóa Đề án hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; Quy chế hỗ trợ doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh và xây dựng Đề án chính quyền thân thiện… Trước mắt, thành phố sẽ hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin và khoa học công nghệ, sau đó khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác cùng tham gia vào hoạt động hỗ trợ này. Không chỉ vậy, Hà Nội sẽ hình thành một số quỹ, trong đó sử dụng Quỹ Hỗ trợ khoa học công nghệ sẵn có và nghiên cứu hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm. Quỹ này, có một phần đóng góp của ngân sách thành phố, phần còn lại do doanh nghiệp đóng góp. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho biết, hiện nay, thành phố đã rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, tạo tiền đề quan trọng cho việc triển khai Đề án thành phố khởi nghiệp vào đầu năm 2017. Từ tháng 6-2016, Hà Nội đã thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 2 ngày (nhanh hơn 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp); thí điểm thực hiện liên thông giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư chỉ cần đến một điểm và chỉ mất 10 ngày để nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận kinh doanh (giảm 8 ngày so với quy định hiện hành). Giấy chứng nhận doanh nghiệp cũng được cấp ngay trong ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Để xây dựng thành phố khởi nghiệp, Thành đoàn Hà Nội sẽ phải góp sức không nhỏ trong việc khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng, đưa tinh thần khởi nghiệp đến với thanh niên. Thành đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Ngày hội Thanh niên Thủ đô khởi nghiệp lần thứ I năm 2016 với sự tham gia của 3.000 đoàn viên, thanh niên; diễn đàn “Cùng thanh niên Thủ đô khởi nghiệp” với sự chia sẻ của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp thành đạt. Qua đó, đã khơi dậy trong thanh niên, sinh viên Thủ đô niềm đam mê khởi nghiệp cũng như trang bị hành trang cần thiết để lập nghiệp. Đặc biệt, Văn phòng Tư vấn hỗ trợ thủ tục pháp lý cho thanh niên có nhu cầu, nguyện vọng khởi nghiệp cũng đã được thành lập. Bí thư Thành đoàn Nguyễn Văn Thắng tin tưởng, hoạt động khởi nghiệp của tuổi trẻ Thủ đô sẽ nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ các cấp, ngành.
Không chỉ hỗ trợ khởi nghiệp, Hà Nội sẽ có giải pháp hỗ trợ “hậu khởi nghiệp" bao gồm: Làm thủ tục nâng cấp từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ, đất đai. Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo quản trị và khởi nghiệp; xây dựng Quỹ Khởi nghiệp và vườn ươm doanh nghiệp; thành lập một trung tâm hỗ trợ sáng tạo, khai thác sử dụng ý tưởng kinh doanh mới, bảo đảm sở hữu trí tuệ, có sự trợ giúp hợp tác từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đại sứ quán Israel và một số doanh nghiệp trong nước.
Còn nhiều việc phải làm để Hà Nội thực sự trở thành thành phố khởi nghiệp. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thành phố sẽ nỗ lực khẳng định mình, xóa bỏ định kiến “Hà Nội không vội được đâu”, chuyển sang tinh thần mới “Hà Nội vượt trội và đi đầu” trong các lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.