(HNM)- Ngay sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1988), công nghiệp (CN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển khá nhanh, bởi các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về môi trường và chính sách đầu tư của Hà Nội. Các ngành CN mới của Hà Nội như cơ điện tử, lắp ráp sản phẩm CN giá trị lớn có được kết quả tăng trưởng cao như hiện nay là nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) CN vốn FDI.
Khẳng định vị thế dẫn đầu
CN có vốn FDI tại Hà Nội luôn khẳng định vị thế dẫn đầu, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu ngành và sản phẩm CN, nâng cao hiệu quả SXKD với việc đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, tạo sự "nhảy vọt" về năng suất. CN có vốn FDI đã tạo ra giá trị lớn, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất CN, xuất khẩu với kim ngạch hàng tỷ USD và gián tiếp giúp cho Hà Nội có được đội ngũ cán bộ công nhân có tác phong CN, có khả năng sử dụng công nghệ thiết bị máy móc tiên tiến.
Theo Sở Công thương Hà Nội, sự có mặt của CN FDI, nhất là các DN vốn FDI sản xuất tiêu thụ trong nước, cạnh tranh phát triển trong ngành CN trở nên sôi động hơn. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam, nhất là Hà Nội vẫn được đánh giá là một thị trường đầy hứa hẹn với các nhà sản xuất lắp ráp nước ngoài nhờ có chế độ xã hội ổn định, nền kinh tế năng động tăng trưởng nhanh. Vốn đầu tư nước ngoài vào CN trên địa bàn Hà Nội tập trung vào những ngành CN kỹ thuật cao, như sản xuất ô tô, xe gắn máy, các thiết bị điện tử, viễn thông… Số liệu thống kê năm 2008 cho thấy vốn đầu tư nước ngoài cho CN Hà Nội khoảng 4,37 tỷ USD, năm 2009 đã lên 4,8 tỷ USD, theo đó các DN thuộc những tập đoàn đa quốc gia, như Honda, Canon, Yamaha, Daewoo, Lifan… giữ vai trò dẫn dắt CN lắp ráp. Một số công nghệ sản xuất mới do các DN FDI đi đầu đã có sức lan tỏa cho các DN khác, điển hình như công nghệ sản xuất sơn tĩnh điện của Công ty Chinhai, sản xuất tấm lợp kim loại của Austnam, sản xuất cửa nhựa lõi thép của Eurowindow, sản xuất khung nhà thép tiền chế của Zamil… Trong quá trình hợp tác với các DN vốn FDI đa quốc gia, nhiều DN CN Hà Nội đã đổi mới công nghệ, từng bước đảm nhận từng phần trong chu trình công nghệ để trở thành nhà cung cấp tin cậy cho DN sản xuất lắp ráp FDI. Kết quả này được thấy rõ trong ngành CN xe máy Hà Nội với sự xuất hiện các DN CN hỗ trợ chuyên làm vệ tinh cho DN FDI, như Công ty CP Kim khí Thăng Long, Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Nhựa Hà Nội, Xích líp Đông Anh, Sơn Tổng hợp…
Cần có chính sách ưu đãi
Hà Nội đã trở thành trung tâm CN hỗ trợ lớn của cả nước với số lượng gần 1.000 DN tham gia vào 20 nhóm ngành hàng sản phẩm CN hỗ trợ khác nhau, đem lại doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 122.000 lao động, đóng góp cho ngân sách 3,6 nghìn tỷ đồng, nâng cao sức cạnh tranh cho CN Hà Nội và cả nước. Tuy nhiên, CN hỗ trợ Hà Nội mới chỉ dừng lại ở phục vụ cho phát triển CN nội địa là chính. Nếu so sánh với các nước có trình độ CN hàng đầu thế giới, CN hỗ trợ nội địa Hà Nội đang ở trình độ thấp, nên chỉ có thể làm các chi tiết đơn giản. Nguyên nhân chính khiến CN hỗ trợ của nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng bị rơi vào tình trạng trên là do chưa có một chính sách ưu đãi nào dành cho các nhà sản xuất linh, phụ kiện. Hầu hết ưu đãi thuế đều dành cho các nhà sản xuất công nghệ cao, DN xuất khẩu hay DN đầu tư vào vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, đến nay nước ta chưa triển khai chương trình cụ thể nào nhằm tăng cường liên kết giữa các DN trong nước với DN nước ngoài. Các phương thức marketing, kết nối kinh doanh như cơ sở dữ liệu SME, hội chợ triển lãm và vai trò trung gian của các tổ chức công chưa thực sự phát triển; chưa có cơ chế tài chính nào dành riêng cho CN hỗ trợ, mặc dù quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho SME tại các tỉnh ra đời từ năm 2001, nhưng gần chục năm sau mới có 9 tỉnh, thành phố lập được quỹ.
Gần đây, Chính phủ đã chú ý nhiều hơn đến việc tăng cường hệ thống giáo dục đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động CN đang tăng. Tuy nhiên, giáo dục nghề vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết DN không đánh giá cao chất lượng lao động mới ra trường, đặc biệt với nhóm kỹ năng kỹ thuật, họ phải dành khá nhiều thời gian để đào tạo lại nhóm này sau khi tuyển dụng. Ngoài ra, còn phải nói về vấn đề nhận thức của các địa phương, trong khi các DN CN hỗ trợ thường có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết địa phương, thậm chí cả cấp trung ương lại chỉ muốn thu hút DN lớn vào khu công nghiệp. Khuynh hướng này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc "gọi" các nhà cung cấp FDI quy mô nhỏ nhưng có công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam.
Từ thực tế trên cho thấy vẫn còn nhiều điều cần sớm được quan tâm để thúc đẩy ngành CN hỗ trợ phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.