(HNM) - Phương hướng, nhiệm vụ về giáo dục được đề cập trong Dự thảo báo cáo trình Đại hội XII là: "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực". Theo đó Đảng ta vẫn coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", "Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực".
Dự thảo báo cáo đã đánh giá xác thực tình hình giáo dục nước nhà hiện nay như "Chất lượng, hiệu quả giáo dục chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành".
Giáo dục và đào tạo luôn liền với đời sống xã hội. Trong mối quan hệ này, nếu xã hội chúng ta còn nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, sự phục hồi kinh tế còn chậm; tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp, thì sẽ tác động xấu đến giáo dục và đào tạo. Chúng ta đã nói rất nhiều đến chuyện quá tải trong chương trình giáo dục phổ thông, nhưng việc thay đổi chương trình đó như thế nào cho hợp lý vẫn còn chậm, thậm chí rất chậm.
Việc thay đổi sách giáo khoa sắp tới liệu có đáp ứng được kỳ vọng của đất nước ta là 15 năm tới Việt Nam "Đạt được trình độ tiên tiến trong khu vực" hay không, vẫn là một câu hỏi. Việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay vẫn là vấn đề bức xúc mà không dễ ngày một ngày hai có thể giải quyết được vì đó là nhu cầu thực tế của người học. Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, nhưng cuối cùng vẫn phải cho con em mình đi học thêm vì “Nếu không học, con em mình sẽ thua kém bạn bè, không thể vào những “ngôi trường mơ ước”, vào những trường theo nguyện vọng của mình”.
Về cải cách giáo dục, có ưu điểm: Đây là một chương trình có tham vọng mang tính tổng thể, định hướng phát triển một nền giáo dục hiện đại - hội nhập - Việt Nam; phần nào đã có lưu ý đến chương trình cũ trước đây nhưng phải nói chưa tìm hiểu được thật tường minh vấn đề tiếp cận năng lực của các chương trình trước đây; đề thi cử đã có tham vọng giảm nhẹ gánh nặng cho học sinh, giáo viên và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…
Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học, nghiêm túc:
Một là, cần phải khẳng định cụ thể một cách tường minh các chương trình hiện hành, bởi các kết luận hiện tại chưa mang tính thuyết phục.
Hai là, cần phải xem lại cách hiểu đổi mới căn bản, theo chúng tôi “căn bản” ở đây là tìm ra trong hệ thống giáo dục hiện tại khâu nào là yếu kém nhất để tác động vào đấy để có thể làm thay đổi cả hệ thống, để thực hiện đổi mới toàn diện. Theo chúng tôi hiện tại chọn khâu đột phá là chương trình và SGK để đổi mới căn bản, toàn diện là chưa hợp lý. Muốn nâng cao được chất lượng giáo dục, khâu cơ bản nhất là chất lượng giáo viên, phải tác động vào đây thì mới có thể tạo lực đẩy cho toàn bộ hệ thống, song song với nó là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Đây là hai mắt xích yếu nhất trong nền giáo dục hiện nay. Muốn cải cách giáo dục cần phải nhìn thấu đáo, không nên lặp lại cách làm cũ, nếu không sẽ không đáp ứng yêu cầu từ thực tế xã hội, nếu không muốn nói là thất bại.
Ba là, trong chương trình xây dựng, phải làm rõ hiện tại chúng ta thực hiện cải cách giáo dục theo hướng nào về tích hợp và phân hóa. Ở đây cả lý thuyết và dự kiến triển khai còn chưa rõ, quá chung chung, còn mang tính chắp vá, cắt dán từ một số vấn đề nghiên cứu ở nước ngoài.
Bốn là, đối với môn lịch sử, đây là những thành quả kết tinh của dân tộc Việt Nam qua mấy ngàn năm, cần phải được nghiên cứu thật cẩn trọng. Theo tôi đây là vấn đề liên quan đến cả xã hội Việt Nam cần phải được học sinh biết, hiểu tường tận, để có thể vừa tự hào vừa hoạt động để bảo vệ xây dựng đất nước xứng với truyền thống.
Năm là, cần tập trung vào khâu đột phá quan trọng hiện nay là giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chứ không phải là chương trình và sách giáo khoa (SGK). Vì nếu chúng ta có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giỏi, uyên thâm, tâm huyết thì từ chương trình hiện hành vẫn có thể chuyển đổi theo hướng đào tạo năng lực. SGK và chương trình chỉ cần chỉnh sửa, có hướng dẫn chi tiết cụ thể để giáo viên thực hiện. Đất nước ta còn nghèo, còn cần nguồn tài chính để làm các việc hệ trọng khác của giáo dục. Kinh phí 800 tỷ đồng hiện nay tập trung vào việc chỉnh sửa chương trình SGK và các tài liệu hướng dẫn có thể tiết kiệm để tập trung vào vấn đề bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và chăm lo hơn nữa hai đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giáo dục.
Sáu là, vấn đề sử dụng SGK hiện nay quá lãng phí, đất nước còn nghèo, dân vẫn còn vất vả, nên học lại bài học tiết kiệm trước đây là SGK học sinh năm trước được nhường lại năm sau học để khỏi lãng phí tiền của dân mà tiền của dân cũng là tiền của Nhà nước. Đừng để các em lãng phí như hiện nay. Bác Hồ dạy về chống lãng phí - chúng ta phải làm theo lời của Người.
Bảy là, hiểu tiếp cận năng lực như hiện nay trong giáo dục học sinh là chưa chuẩn xác, vì chưa hiểu chuẩn xác cho nên muốn dạy học theo tiếp cận năng lực là phải thay đổi chương trình và SGK. Điều này là sai lầm trong nhận thức và trong hành động.
Tám là, vấn đề thi cử “hai trong một” vừa rồi chưa thành công, cần phải rất thận trọng, khi có thành công đến 99,9% rồi mới làm bởi vì giáo dục ảnh hưởng đến toàn xã hội. Hai kỳ thi khác nhau về mục đích và mục tiêu, không nên gộp làm một, lợi bất cập hại đã được lộ ra. Nên học tập cách làm trước đây (những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt) thi tốt nghiệp phổ thông nên giao cho từng sở GD-ĐT tổ chức, còn đại học thì tùy các trường có thể thi tuyển hay không. Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ cho các sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ, TCCN rồi sao lại phải tự ôm lấy; cái gì “cần ôm thì ôm”, cái gì “thả ra thì phải thả ra” cho các sở GD-ĐT và các trường ĐH. Bộ chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiểm tra chương trình, quy định về thi, sở nào, trường nào làm không tốt, có sai sót thì phê bình, thậm chí cách chức lãnh đạo. Bộ GD-ĐT phải làm đúng vị trí của mình thì mới thúc đẩy nền giáo dục thi cử hiện nay. Vừa qua cả hai khâu thi và xếp trường đều chưa ổn, người dân vừa vất vả, tốn tiền, thời gian… học sinh thì lúng túng trong chọn trường, chọn nghề, phá vỡ những yêu thích của mình, ngược lại với quan điểm định hướng nghề nghiệp theo nguyện vọng, sở thích và năng lực của học sinh. Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trước đây đã làm, cái gì tốt, phù hợp thì phải được áp dụng, khi cải tiến cái gì liên quan đến xã hội cần thận trọng, nên lấy ý kiến rộng rãi của dân trước khi triển khai.
“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người”, nhưng chính sách đãi ngộ cho các thầy, cô giáo - người trực tiếp làm ra sản phẩm - con người - thì lâu nay vẫn chưa thực sự thỏa đáng - nhất là những người làm công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn quá vất vả và thiếu thốn. Chỉ khi nào người thầy không phải bộn bề với những lo toan “cơm, áo, gạo, tiền...” thì lúc bấy giờ mới toàn tâm toàn ý để đào tạo nên những con người có phẩm chất tốt và năng lực cao...
Năm Ất Mùi 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những lời sâu sắc về giáo dục: “Trách nhiệm nặng nề vẻ vang của người thầy là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Lời dạy của Người cho đến hôm nay - 60 năm sau - vẫn giữ vẹn nguyên giá trị thời sự. Chúng ta hy vọng sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” sẽ không còn mang tính hình thức mà đi sâu vào trái tim, khối óc mỗi người thầy, các thế hệ học trò, phụ huynh học sinh và sự quan tâm của toàn xã hội để Việt Nam chúng ta có thể Vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu về giáo dục - đào tạo trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.