(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016.
Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.916. Có điểm đáng lưu ý là so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương.
Con số 4.139 biên chế giảm so với tổng số hơn 272.000 biên chế chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, tuy nhiên lại là điểm "đáng lưu ý" vì những lý do sau: Trước hết là vấn đề chất lượng đội ngũ công chức. Mặc dù chưa có kết quả khảo sát chính thức có tính phổ quát nào nhưng tình trạng công chức (bên cạnh đó là không ít cán bộ) không làm được việc, làm việc với hiệu quả thấp hoặc hiệu quả song... ít việc diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là một trong những "lực lượng" mà năng suất lao động đặt ra nhiều vấn đề. Ở góc độ khác, có thể nói, rất nhiều công chức đang ở trong tình trạng "thất nghiệp trá hình", tức là vẫn có vị trí việc làm, hưởng lương nhưng nhiều thời gian... không phải làm gì. Phần lớn số công chức "thất nghiệp trá hình" này thực tế không chỉ chiếm chỗ ngồi, vị trí việc làm trong bộ máy nhà nước mà còn chiếm luôn cả cơ hội của những người làm được việc, có năng lực. Thực tế nêu trên tác động trở lại vấn đề năng suất lao động mà trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã thẳng thắn: Nếu được toàn quyền (quản lý một cơ quan), sẽ sa thải 40% nhân viên.
Thứ hai, con số 4.139 biên chế giảm "đáng lưu ý" còn vì liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế - vốn được thực hiện không mấy hiệu quả trong những năm qua mà được ví "càng tinh giản, bộ máy càng phình to". Tại sao tinh giản biên chế - một chủ trương đúng đắn lại khó thực hiện? Vướng mắc nằm ở nhiều khâu, có cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Ở góc độ khách quan, tiêu chí tinh giản phải như thế nào để bảo đảm khoa học? Mỗi vị trí công tác phải xác định như thế nào với bao nhiêu biên chế? Ngay cả đánh giá thế nào là công chức làm được việc với không làm được việc cũng không dễ dàng, nhất là khi việc đánh giá có yếu tố cảm tính, tư vị chi phối... Ở góc độ chủ quan, liệu thủ trưởng một đơn vị có dám mạnh dạn nếu công chức bị cắt giảm thuộc diện con ông cháu cha, có quan hệ với ngay thủ trưởng đơn vị đó dưới các hình thức như họ hàng, thân quen, lợi ích kinh tế (kể cả tiêu cực là chạy chọt...)?
Dù vậy, con số 4.139 biên chế giảm vẫn là dấu hiệu đáng để theo dõi, cũng như đặt ra nhiều vấn đề đối với việc tinh giản biên chế - vốn đang thực hiện rất khó khăn và kém hiệu quả. Để có một bộ máy gọn nhẹ với những cán bộ, công chức có khả năng làm việc hiệu suất cao - tức là giảm xuống mức thấp những công chức "thất nghiệp trá hình", rõ ràng có nhiều việc phải làm trên cơ sở những tiêu chí khoa học, cụ thể, trong một lộ trình dài hơi, đặc biệt là phải có quyết tâm cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.