(HNM) - Mặc dù TP Hà Nội liên tục chỉ đạo, nhưng nhiều địa phương vẫn để phát sinh và chưa xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật đê điều. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã phát sinh 131 vụ xâm hại đê, nhưng mới có 10 vụ được xử lý...
Một trường hợp vi phạm hành lang đê tại huyện Đông Anh đã được giải tỏa. |
Xuất hiện nhiều điểm "nóng"
Ngày 2-9, có mặt tại tổ 38, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), chúng tôi bất ngờ trước sự chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai và hành vi xâm hại công trình phòng, chống lũ lụt của người dân nơi đây. Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 5 Nguyễn Phú Bích, khu vực ngã ba sông Hồng, sông Đuống có dòng chảy xiết, vận tốc lớn, thường xảy ra sự cố sạt lở khi mực nước sông dâng cao. Tuy nhiên, bất chấp quyết định xử lý vi phạm và cảnh báo của cơ quan quản lý đê điều, phòng chống thiên tai, Ban Quản lý di tích (Hội Người cao tuổi ở tổ 38, phường Ngọc Thụy) vẫn cho xây dựng tường gạch, đổ cát tôn nền lấn lòng sông Hồng hàng trăm mét vuông để tạo mặt bằng làm sân đền Đôi Cô.
Trên đê hữu Đuống, đoạn K6 300, thuộc địa bàn phường Giang Biên (quận Long Biên), Công ty TNHH Bất động sản Media Market đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều khi xây 3 dãy ki ốt, diện tích khoảng 248m2 kết cấu bằng tường gạch và khu nhà chợ, dịch vụ diện tích khoảng 1.690m2, kết cấu khung cột thép, mái lợp tôn… Còn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức), vẫn tồn tại nhiều trường hợp xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ phía thượng lưu đê tả Đáy...
Ngược lên các xã Thuần Mỹ, Sơn Đà, Phú Cường (huyện Ba Vì), hàng chục tấn rác thải sinh hoạt tập kết trong nhiều ngày trên tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng không chỉ trực tiếp xâm hại mặt đê, mái đê, thân đê mà còn làm xấu cảnh quan môi trường, gây mất an toàn giao thông, khó khăn cho công tác kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều.
Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ đầu năm đến nay trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã phát sinh 131 vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai. Các vi phạm chủ yếu là: xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng các loại cây; dựng lều quán trên mặt đê, mái đê; tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê… Địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như huyện Ứng Hòa với 21 vụ, huyện Sóc Sơn 16 vụ, huyện Thường Tín 12 vụ, huyện Phú Xuyên, Ba Vì đều 11… Tính đến ngày 3-9, các địa phương mới xử lý được 10 vụ, tồn đọng 121 vụ.
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, tất cả vi phạm trên đều được hạt quản lý đê lập biên bản, gửi thông báo đề nghị chính quyền cơ sở xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương một số nơi còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm ngăn chặn, thiếu kiên quyết trong xử lý. Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không xem xét đến Luật Đê điều, dẫn đến tình trạng nhà dân có đầy đủ giấy tờ lại nằm trong hành lang bảo vệ đê, khiến công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả, người dân còn tâm lý chủ quan trong bảo vệ hành lang đê điều, một số doanh nghiệp vì lợi ích đã cố tình vi phạm pháp luật…
Cần xử lý nghiêm vi phạm mới
Để ngăn chặn, giải quyết dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều, theo ông Đỗ Đức Thịnh, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý ngay những vi phạm mới; kiên quyết xử lý nghiêm, không nể nang với tất cả các trường hợp vi phạm, tạo sự tin tưởng trong nhân dân. Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai nhất là đối với các hộ dân đang sinh sống khu vực ven đê.
Đi đôi với biện pháp trên, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã đề xuất với UBND thành phố và Bộ NN&PTNT bố trí nguồn vốn nâng cấp, bảo dưỡng các tuyến đê, nhất là các hạng mục cải tạo cứng hóa mặt đê, xây dựng đường hành lang chân đê nhằm tạo thuận tiện cho nhân dân trong sinh hoạt, đi lại, tránh tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê; xây dựng các kè bảo vệ bờ sông tại các khu vực xung yếu, thường xuyên sạt lở; sớm bố trí kinh phí thực hiện tái định cư cho các hộ dân có công trình, nhà ở vi phạm Luật Đê điều nhưng nằm trong diện tích đất thổ cư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Bên cạnh các giải pháp trên, UBND thành phố đã giao các sở, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đê điều, quy trách nhiệm, xử lý người đứng đầu các cấp chính quyền buông lỏng quản lý dẫn tới vi phạm gia tăng. Đồng thời, tập trung đưa thông tin về các vụ vi phạm đê điều lên phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức chấp hành cho người dân. Kiên quyết rút giấy phép đối với các hành vi khai thác, kinh doanh cát sỏi, tập kết vật liệu xây dựng không đúng quy định làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê điều, bờ sông, dòng chảy trên địa bàn thành phố…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.