Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đê điều Hà Nội mùa mưa lũ 2012: Ẩn họa khó lường

Xuân Quang| 25/06/2012 06:33

(HNM) - Mới đầu vụ mưa bão năm 2012 nhưng đã xảy ra nhiều sự cố sạt lở đất ở Ba Vì, sạt trượt mái kè Liên Trì, đê sông Hồng tại Đan Phượng; báo động các sự cố đê, kè đang đe dọa sự an toàn hệ thống đê điều Hà Nội.


Tu bổ đê điều là việc làm hết sức cần thiết trước mùa mưa bão.  
Ảnh: TRỌNG ĐẠT - TTXVN

Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Đỗ Đức Thịnh cho rằng, hệ thống đê điều Hà Nội lớn, nhiều tuyến đê khô nhiều năm chưa qua thử thách với lũ nên chứa đựng nhiều ẩn họa khó lường. Với 9 tuyến đê hữu Đà, tả, hữu Hồng, tả, hữu Đuống, tả, hữu Cà Lồ, hữu Cầu, đê Vân Cốc tổng chiều dài trên 272km tuy bảo đảm chống chọi được với mực nước lũ thiết kế nhưng nhiều đoạn đê nằm trên vùng đất có địa chất xấu chỉ cần báo động số 2 trở lên là đã xảy ra sự cố mạch đùn, mạch sủi có nhiều điểm xung yếu rất có thể gây ra sự cố sụt, lở, sạt, trượt. Với 5 tuyến đê phân lũ, là tả, hữu, Đáy, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân tổng chiều dài trên 126km là các tuyến đê khô, thân đê có nhiều ẩn họa như hang cày, tổ mối, tổ chuột có hiện tượng thẩm lậu, thấm mái đê làm cho đê yếu khó chống đỡ khi nước to trên báo động số 3. Mặc dù các tuyến đê cấp 3 đến cấp đặc biệt đã cơ bản được cứng hóa nhưng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, vùng mặt đê trở thành huyết mạch giao thông số lượng xe vận tải lớn chở vật liệu xây dựng, gạch ngói, cát, làm hư hỏng mặt đê, gây nứt thân đê rất dễ xảy ra sự cố nguy hiểm.

Ngoài ra, địa chất nền của các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp, nhiều đoạn đê có địa chất xấu, hệ thống đầm, hồ, ao, ven đê nhiều nên mùa mưa lũ thường xuất hiện mạch sủi, giếng sủi, mạch đùn, bùng nhùng dễ gây sự cố ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Do biến động của thời tiết, lượng nước về mùa cạn xuống rất thấp, làm cho sự chênh lệch mực nước giữa mùa lũ và mùa khô lớn đã gây ra hiện tượng sạt lở mạnh. Liên tiếp những vụ sạt lở trên hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống ngày càng nghiêm trọng gây bất ổn cho dân cư ven sông và đe dọa an toàn hệ thống đê điều.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Lưu Văn Hải cho biết, vào mùa mưa lũ năm 2012, Ban chỉ huy PCLBU Hà Nội đã xác định 4 trọng điểm và 12 vị trí xung yếu để lên phương án bảo vệ và đề phòng sự cố. Theo ông Lưu Văn Hải, 4 trọng điểm rất nguy hiểm: cống Liên Mạc trên đê hữu Hồng huyện Từ Liêm là cống lớn xây dựng từ năm 1939 đáy cống ở cao trình thấp, tường bị thấm rất dễ xảy ra sự cố. Cụm công trình cống qua đê Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai chưa được thử thách chống lũ. Kè Thanh Am-Tình Quang đê hữu Đuống quận Long Biên do đê sát sông, dòng chảy áp sát bờ, xuất hiện cung nứt trượt dài 57m đã xử lý khẩn cấp nhưng vẫn xảy ra vết nứt sau xử lý. Khu vực đê, cầu cống Xuân Canh-Long Tửu đê tả Đuống, huyện Đông Anh là khu vực đê sát sông, mái kè cũng là mái đê nên thường xuyên xảy ra sự cố phức tạp, năm 2011 xuất hiện sự cố lún sụt mái kè tại K1+250 chưa được xử lý. Cùng với 4 trọng điểm là 12 vị trí xung yếu dễ xảy ra sạt trượt mái đê, mái kè, xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, lún sụt, gây nguy hiểm cho sự an toàn đê, kè đó là: Kè Khê Thượng, kè Cổ Đô (Ba Vì), kè Sơn Tây, đê Sen Chiểu, cống Cẩm Đình (Phúc Thọ); kè Liên Trì (Đan Phượng); kè An Cảnh (Thường Tín), kè Quang Lãng (Phú Xuyên), kè Thanh Điềm (Mê Linh), kè Đổng Viên (Gia Lâm), đê kè cống Tân Hưng-Cẩm Hà, đê hữu Cầu (Sóc Sơn) và cống tiêu Yên Sơn đê hữu Đáy (Quốc Oai).

Ngoài những trọng điểm và vị trí xung yếu dễ xảy ra sự cố bất thường đe dọa sự an toàn của hệ thống đê kè, còn phải cảnh báo tình trạng vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 1.616 vụ vi phạm nhưng mới xử lý được 714 vụ, còn tồn đọng 875 vụ. Mới đây, Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT đã yêu cầu phải xử lý ngay 7 vụ vi phạm nghiêm trọng đó là: vi phạm của CTCP Sản xuất và du lịch Chèm và CTCP Thương mại Nam Thăng Long đều tại xã Liên Mạc-Từ Liêm; vi phạm đổ phế thải ngoài bãi sông hạ lưu cầu Nhật Tân, quận Tây Hồ; đổ phế thải san lấp mặt bằng gầm cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai; tập kết vật liệu xây dựng trên bãi sông Hồng tại huyện Thường Tín; hoạt động lò gạch tại bãi sông của huyện Phú Xuyên và nhiều vi phạm tập kết vật liệu xây dựng tại bãi sông khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long nếu không kiên quyết xử lý sẽ ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ và sự an toàn đê điều.

Mùa mưa bão đã bắt đầu với nỗi lo tiềm ẩn nhiều sự cố đê điều có thể xảy ra. Nếu lơ là, mất cảnh giác, không chủ động các phương án hộ đê, bảo vệ kè theo phương châm 4 tại chỗ, xử lý kịp thời những sự cố đê điều thì hậu quả thiệt hại sẽ khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đê điều Hà Nội mùa mưa lũ 2012: Ẩn họa khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.