(HNM) - Là bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa, lịch sử của đất nước, những năm qua, các di tích gắn liền với Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ở Hà Nội luôn được bảo tồn, phát huy giá trị hiệu quả. Điều này không chỉ giúp khai thác tối đa nguồn sử liệu sinh động, gần gũi trong việc truyền lửa cách mạng, giáo dục niềm tự hào dân tộc qua các thế hệ, mà còn góp phần quảng bá điểm đến, tôn vinh truyền thống dựng nước, giữ nước của người Việt ra thế giới.
Những địa chỉ của lòng yêu nước
Là một trong những điểm đến nổi tiếng trên bản đồ di tích lịch sử cách mạng của Thủ đô Hà Nội, Nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) đi vào dòng chảy lịch sử dân tộc, ghi dấu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cùng Trung ương Đảng quyết định nhiều vấn đề quan trọng cho Chính phủ lâm thời. Với bản Tuyên ngôn Độc lập, vào ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và cả thế giới, nước ta đã tự do, độc lập và sự kiện này trở thành một trong những thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử giải phóng dân tộc.
Năm tháng trôi qua, Nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành một di tích lịch sử quan trọng, nơi tổ chức trưng bày nhiều chuyên đề phục vụ công chúng và du khách. Ông Nguyễn Văn Linh (cựu chiến binh ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cho biết, Nhà 48 Hàng Ngang là điểm đến quen thuộc của các cựu chiến binh trong những ngày Tháng Tám lịch sử hay những dịp sinh hoạt truyền thống. “Đến đây, chúng tôi như được sống lại thời khắc thiêng liêng của đất nước. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nên tôi và đồng đội đã hẹn nhau sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các di tích mở cửa trở lại, sẽ cùng đến thăm di tích lịch sử ý nghĩa này”, ông Nguyễn Văn Linh chia sẻ.
Cùng với Nhà 48 Hàng Ngang, Bắc Bộ phủ (số 12 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) là một di tích gắn liền với Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Theo tài liệu lưu trữ tại di tích, vào ngày 19-8-1945, hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành Hà Nội đã xuống đường biểu dương lực lượng như kế hoạch định trước. Với sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, quần chúng cách mạng tổng tấn công Bắc Bộ phủ (lúc bấy giờ là Phủ Khâm sai Bắc Kỳ - cơ quan đầu não của Chính phủ Trần Trọng Kim), buộc lính bảo vệ phủ phải đầu hàng. Sau cách mạng, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ phủ và có vai trò như một tổng hành dinh đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau năm 1954, tòa nhà được sửa chữa và trở thành Nhà khách Chính phủ.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, từ mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bắc Bộ phủ đã đi vào lịch sử như một biểu trưng cho sự vùng lên giành và bảo vệ quyền sống trong độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc. Đây cũng là công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc, với nhiều lần thay đổi tên gọi, công năng, đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nước nhà.
Phát huy bền vững giá trị di sản
Với truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời của dân tộc, hiện trên địa bàn Hà Nội có gần 6 nghìn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có khoảng 300 di tích và địa điểm di tích cách mạng, kháng chiến; gần 250 di tích và địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những “địa chỉ đỏ” có giá trị trực quan sinh động, nguồn sử liệu phong phú phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, những năm qua, thành phố đã dành nhiều nguồn lực cho việc lập hồ sơ khảo sát, gắn biển điểm lưu niệm cũng như tu bổ, tôn tạo, tổ chức trưng bày tại các di tích cách mạng kháng chiến, trong đó có di tích, địa danh gắn với Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa, lịch sử Thủ đô và đất nước.
Để phát huy giá trị di tích cách mạng, kháng chiến ở Thủ đô nói chung, di tích, địa danh gắn với Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 nói riêng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Phạm Mai Hùng cho rằng, Hà Nội cần làm tốt công tác quảng bá, tuyên truyền, có cơ chế ưu tiên đối với các hoạt động tại địa điểm di tích cách mạng, kháng chiến.
Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Doãn Văn cho biết, cùng với việc tiếp tục thực hiện kiểm kê, phân loại di tích, thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức sưu tầm, kêu gọi hiến tặng tư liệu, tài liệu, tổ chức các hoạt động trưng bày hấp dẫn, hiệu quả hơn. Đồng thời mở thêm các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh, bảo vệ tại các điểm di tích; chú trọng tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người dân trong bảo vệ di tích lịch sử cách mạng, để tiếp tục "truyền lửa" cho hôm nay và mai sau...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.