(HNM) - Hôm qua (ngày 7-12), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã chính thức diễn ra nhằm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc.
Tham dự đại hội có 1.800 đại biểu chính thức từ mọi miền đất nước, đặc biệt trong đó hơn 60% số đại biểu tham dự đại hội là những người trực tiếp tham gia công tác, lao động sản xuất, kinh doanh… Đó là những tấm gương tiêu biểu về sự năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, vượt khó vươn lên, đóng góp cho cộng đồng hay hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền đất nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt". Nhắc lại để thấy, trong hơn sáu mươi năm qua, công tác thi đua yêu nước có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước. Các phong trào thi đua đã ngày càng lớn mạnh với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, giúp đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, độc lập của Tổ quốc và kiến thiết, xây dựng, phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX cũng đặc biệt nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, chúng ta càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm 2016 - 2020.
Đó cũng là hành động thiết thực để đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, vốn là mặt trái của cuộc sống khi chúng ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Cùng với đó, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm tồn tại.
Đó là phong trào phát triển chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; một số phong trào tác dụng lan tỏa chưa cao; công tác sơ kết, tổng kết ở một số địa phương, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức; đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều… Khắc phục được những bất cập này, chắc chắn các phong trào thi đua thời gian tới sẽ tạo ra động lực mới, góp phần quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Thực tế, đối với những vấn đề nêu trên, tháng 4-2014 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TƯ nhằm mục tiêu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Vậy mấu chốt ở đây là cách thức tổ chức thực hiện với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù từng công việc cụ thể và tình hình, đặc điểm từng địa phương. Và có thể thấy, chỉ trong hơn một năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác này. Cách làm của một số nơi đặc biệt là thành phố Hà Nội - cái nôi của nhiều phong trào thi đua yêu nước - đã lựa chọn những mũi nhọn, mục tiêu mang tính đột phá, tạo ra khí thế thi đua tích cực, đưa phong trào phát triển sâu rộng ở các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội và có sự tham gia rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân. Mặt khác, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng còn cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan truyền thông nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong đời sống xã hội. Phải xây dựng, phát huy cái tốt, cái điển hình để đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực. Nếu chỉ một chiều phê phán, lên án cái xấu, cái tiêu cực trong cuộc sống thì chúng ta mới đạt được một nửa yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.