Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dễ đầu vào, khó đầu ra

Bạch Thanh| 27/12/2010 07:29

(HNM) - Thời gian qua, với sự giúp sức của ngành nông nghiệp, nhiều DN lớn như Công ty cổ phần Đầu tư Tokin, Công ty TNHH Hương Cảnh… đã vào cuộc, tham gia sản xuất, tiêu thụ rau an toàn (RAT) với mức đầu tư lớn, quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Các DN này đã và đang phải thực hiện một cuộc lội ngược dòng từ tổ chức sản xuất đến việc tiêu thụ. Tuy nhiên, do khâu tổ chức tiêu thụ còn lúng túng, RAT vẫn khó đến với bàn ăn của đông đảo người dân.

Những doanh nghiệp đi tiên phong


Đầu ra cho rau an toàn vẫn là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt


Thời gian qua, trên địa bàn TP, các DN tham gia mô hình sản xuất RAT đều đã đầu tư một cách quy mô, nghiêm túc, chuyên nghiệp và có hệ thống, qua kiểm tra thực tế sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Tokin đã đầu tư tới 17 tỷ đồng cho nhà sơ chế thuộc dự án sản xuất RAT Lộc Xuân trên diện tích 79,5ha tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Hiện dự án đang trong giai đoạn xây dựng hệ thống hạ tầng như trạm bơm, đường kênh mương nội đồng, nhà lưới, hệ thống đường ống nước tưới tự động và nhà ở cho cán bộ nhân viên trong dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 3 tháng tới. Tương tự, với sự giúp sức của ngành nông nghiệp Hà Nội, chỉ một thời gian ngắn, Công ty TNHH Hương Cảnh cũng đầu tư hơn 17 tỷ đồng cho dự án sản xuất và sơ chế rau, củ, quả tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm được khai trương đi vào sản xuất từ tháng 9 năm 2010.

RAT tại xã Thụy Hương - Chương Mỹ của Công ty CP Đầu tư Tokin.


Qua thực tiễn sản xuất RAT của Tokin tại Thụy Hương (Chương Mỹ) và Hương Cảnh tại Văn Đức (Gia Lâm) sản lượng cây trồng tăng 4 lần so với trước đây, sản phẩm rất ít khi phải sử dụng thuốc BVTV, đạt tiêu chuẩn VietGap, được người tiêu dùng đánh giá cao, cải thiện đáng kể môi trường canh tác trên đồng ruộng, côn trùng như giun đất phát triển mạnh… Thu nhập của nông dân ổn định và cao hơn trước, họ tự nguyện đăng ký tham gia sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGap, cam kết trung thành với các điều kiện đã cam kết trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN… Khi tham gia vào dự án sản xuất RAT, nông dân được DN tạo điều kiện bằng cách tạm ứng giống, vật tư nông nghiệp; được huấn luyện, đào tạo IPM; được đội ngũ các kỹ sư hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp 24/24h. Đặc biệt, sản phẩm làm ra sẽ đều được công ty bao tiêu 100%.

Muôn vàn khó khăn

Quy trình sản xuất nghiêm ngặt nhưng từ khi hình thành đến khi triển khai dự án, các DN đi đầu luôn phải đối mặt với những thủ tục hành chính rườm rà, tiêu tốn nhiều thời gian dẫn đến tiến độ các dự án đều rất chậm. Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Tokin với nhãn hiệu RAT Lộc Xuân than phiền, cái vướng lớn nhất của DN lúc này không phải là ở khâu tổ chức sản xuất nữa mà phần lớn nằm ở khâu phân phối và tiêu thụ. Với thói quen mua sắm tại các chợ cóc của đại đa số người tiêu dùng, sản phẩm rau sạch sẽ khó đứng vững trên thị trường nếu chỉ thông qua các kênh phân phối tại siêu thị. Rau sạch Lộc Xuân phải "chen chân" vào các chợ trung tâm, chợ đầu mối để "ngồi cạnh" các cửa hàng rau sản xuất đại trà.

Để có được 1 chỗ giới thiệu sản phẩm tại các chợ dân sinh, Công ty CP đầu tư Tokin phải bỏ ra gần trục triệu đồng thuê mặt bằng/tháng.


Để có được diện tích chỉ đủ đặt được một chiếc bàn ngoài cổng chợ, DN đã phải thuê với mức giá lên đến 9 triệu đồng/tháng, công ty đã phải xin phép hết cơ quan này đến ban, ngành khác nhưng vẫn luôn ở trong tình trạng sẽ bị thế chỗ bất cứ lúc nào.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Hương Cảnh, hiện mỗi ngày DN có thể cung ứng cho người tiêu dùng Hà Nội 50 tấn rau, củ, quả an toàn, nhưng sau hai tháng đi vào hoạt động, DN đang phải "phanh" lại, không thể mở rộng sản xuất từ 50ha lên gần 300ha như dự kiến ban đầu do sức tiêu thụ quá chậm. Toàn bộ hệ thống siêu thị trong thành phố chưa được đầu tư hệ thống bảo quản lạnh, dẫn đến chất lượng rau, củ, quả sau khi giao cho siêu thị bị trả về tới 40%... Ông Long cho rằng, Hà Nội cần tăng cường kiểm tra các siêu thị, khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể của bệnh viện… nếu phát hiện thực phẩm trong đó có rau, củ, quả không rõ nguồn gốc phải phạt nặng, không thể dừng lại ở mức phạt hành chính, nhắc nhở. Giá RAT dao động từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/kg không phải là cao nên để kích cầu tiêu dùng RAT trên diện rộng, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù trợ giá cho RAT ở tất cả các hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn TP từ trung tâm các huyện, thị trấn đến khu trung tâm thành phố. Không chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ thuê mặt bằng 1.000.000 đồng/tháng/cửa hàng, TP cần rà soát lại các địa điểm đẹp, thuận lợi, để bố trí cho các thương hiệu RAT uy tín bán, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng cũng cần được cung cấp nhiều thông tin hơn về RAT và vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng có thể mua được đúng rau có chất lượng tốt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng… Khi người tiêu dùng quen thuộc với RAT, cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt các DN tổ chức sản xuất, chúng ta sẽ có một thị trường bền vững, DN sản xuất, đầu mối tiêu thụ và người tiêu dùng cùng có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dễ đầu vào, khó đầu ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.