(HNM) - Câu chuyện nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ ở Hà Nội, mà còn là vấn đề của rất nhiều địa phương. Rõ nhất là mấy ngày gần đây, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến việc bốn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) bị kỷ luật do để xảy ra nhiều sai phạm trong xây dựng NTM, làm ngân sách địa phương phải gánh nợ gần 400 tỷ đồng, rất nhiều trong đó là do nợ đọng vốn XDCB.
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, số nợ đọng vốn XDCB đã lên tới 10.200 tỷ đồng. Trong số 2.600 xã trên cả nước có nợ đọng vốn XDCB, có hơn 700 xã đạt chuẩn NTM. Con số trên cho thấy, ngoài những sai phạm có thể xử lý hình sự thì vấn đề đáng nói ở đây là "bệnh" thành tích, tư duy "đếm cua trong lỗ"… vẫn tồn tại ở rất nhiều địa phương khi triển khai xây dựng NTM. Ví dụ: Ngoài việc chờ ngân sách trung ương, tỉnh hỗ trợ; sự đóng góp của nhân dân, phần lớn nguồn vốn XDCB được "đếm" vào việc bán đất dịch vụ làm nguồn đối ứng. Và, khi thị trường nhà đất trở lại giá trị thực, những lô đất được định giá cao trước đó đã rớt giá thê thảm, thậm chí không có người ngó ngàng, dẫn đến nguồn thu thiếu hụt trầm trọng. Việc trả nợ cho nhà thầu đã tham gia xây dựng hạ tầng NTM "tắc" là đương nhiên.
Mặt khác, khi phát động xây dựng NTM, xuất phát điểm của rất nhiều xã ở mức thấp. Trong khi nguồn lực của Nhà nước, nhân dân còn hạn chế, giải pháp căn cơ cần lựa chọn là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…; thì rất nhiều nơi chạy theo "bề nổi", xây những công trình, trụ sở hoành tráng hoặc đầu tư dàn trải dẫn đến huy động quá sức dân, thậm chí nhiều địa phương "làm liều" do dựa vào doanh nghiệp, dẫn đến những hệ lụy không dễ khắc phục.
Tuy nhiên, vấn đề nợ đọng vốn XDCB cũng cần phải được nhìn nhận tổng thể. Nguyên nhân không chỉ là vì các địa phương có dấu hiệu chạy theo thành tích mà một phần còn từ chính bộ tiêu chí NTM 19 điểm đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội các vùng, miền. Đặc biệt, những tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng trong một số trường hợp là tác nhân dẫn đến nhiều công trình làm ra không hiệu quả, thậm chí lãng phí. Mặt khác, hầu hết các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, vệ sinh môi trường nông thôn đang là tiêu chí đạt thấp nhất hiện nay. Vì thế, việc sớm điều chỉnh một số tiêu chí xây dựng NTM trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng khung tiêu chí cứng và một số tiêu chí mềm, linh hoạt áp dụng trong điều kiện đặc thù địa phương đang là đòi hỏi cấp thiết.
Xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hợp lòng dân và trong 5 năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước triển khai phong trào xây dựng NTM. Diện mạo các vùng quê ngoại thành đã và đang thay đổi từng ngày. Hàng vạn mô hình làm kinh tế giỏi; hàng nghìn tấm gương người dân góp công, góp của để mở rộng những con đường, trường học… đã được biểu dương, cho thấy đây thực sự là một cuộc đổi thay lớn ở các miền quê. Cũng vì thế, những bất cập, khó khăn trong quá trình xây dựng NTM rất cần được khẩn trương tháo gỡ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Nếu không có những giải pháp bền vững để bảo vệ thành quả của chương trình xây dựng NTM thì được vài năm lại trở về nông thôn cũ". Không ai muốn điều này xảy ra!
Muốn vậy - chỉ có cách duy nhất là làm sao giữ cho được danh hiệu đã có phải thật sự đẹp một cách bền vững. Cách đó là phải kiên quyết (và cả kiên trì) loại bỏ "bệnh" thành tích, đồng thời có các giải pháp căn cơ hơn để bảo đảm thành quả đạt được của chương trình xây dựng NTM cũng như sự phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.