Từ đầu năm 2003, thành phố đã tổ chức một số cuộc hội thảo nhằm vào hai vấn đề chính: địa điểm đặt tượng và hình tượng vua Lý Thái Tổ. Về địa điểm đặt tượng: Một số ý kiến thiên về ý nghĩa lịch sử nên chọn vị trí ở trong khu vực Thành cổ. Tiếc là ở đây lưu lượng người qua lại ít, tác dụng của tượng đối với xã hội sẽ có phần hạn chế. Vả lại cần giữ nguyên trạng không gian của khu vực được coi như “Tử cấm thành” này.
Du khách thắp hương tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ
Một số thiên về hiệu quả xã hội thì chọn địa điểm vườn hoa phường Lý Thái Tổ. Nơi đây là trung tâm thành phố, cảnh đẹp, người đông, nhiều hoạt động lễ lạc, văn hóa, thể thao được diễn ra. Hơn nữa tượng người sáng lập đặt cạnh trụ sở hành chính của thành phố là thích hợp.
Về hình tượng vua Lý Thái Tổ: Đã có một cuộc tọa đàm lớn với đông đủ các nhà lãnh đạo thành phố, các nhà sử học, văn hóa học, các kiến trúc sư, điêu khắc gia, họa sĩ... tham gia nhằm thảo luận về hình tượng vua Lý sẽ được thể hiện như thế nào để như một gợi mở cho các nhà sáng tác.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Lý Công uẩn sinh năm 974. Năm 35 tuổi Lý Công Uẩn dựng nên triều Lý (1009). Quyết định dời đô ra Thăng Long khi 36 tuổi và mất ở tuổi 55 (1028). Hình ảnh các vị vua chúa, tướng lĩnh, danh nhân của nhiều thế kỷ trước, hầu hết đều không có hình vẽ hoặc tượng để lại, cũng không được mô tả kỹ lưỡng ngoài những dòng ca ngợi ngắn và cũng mang tính ước lệ, tượng trưng do tình cảm tôn vinh của người chép sử hoặc nhân dân truyền tụng lại. Chẳng hạn khi viết về Thân vệ Lý Công Uẩn thì chỉ là “người khoan thứ, nhân từ”, “thông minh, tuấn tú khác thường” sẽ“là bậc minh chủ trong thiên hạ” v.v...
Những thông tin đó không đủ là chất liệu cho các nghệ sĩ tạo hình. Họ phải làm theo phương pháp giả định tùy theo kiến thức lịch sử, tình cảm, sự tưởng tượng, sự sáng tạo cao hay thấp của mỗi người nghệ sĩ.
Trang phục của vua Lý cũng không có một tư liệu nào để khai thác. Còn suy đoán lịch sử theo lô-gic thì trang phục triều đình Lý mới lập nghiệp sẽ chưa thể đưa ra một kiểu mẫu nào mới khác với triều Đinh, Lê trước đó, mà các thời này lại ăn mặc theo trang phục Tống triều. Điều này lại trông chờ ở các nhà sử học, trang phục học hoặc các nhà điêu khắc tưởng tượng và giải quyết sao cho mọi người có thể chấp nhận được.
Các nhà nghiên cứu Vũ Khiêu, Nguyễn Vinh Phúc, Trần Lâm Biền, Lê Văn Lan, Nguyễn Văn Huy, Phan Khanh, Đặng Văn Bài, Trần Đức Cường... kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, họa sĩTrịnh Quang Vũ (người nghiên cứu và có nhiều tư liệu cổ về trang phục) và một số học giả khác đã có những ý kiến góp phần làm “sáng” các vấn đề đang trong tình trạng “mờ” này.
Nhận thấy tầm quan trọng, ý thức trách nhiệm công dân và sự vinh dự lớn lao nếu mẫu tượng của mình được chọn nên nhiều nhà điêu khắc đã hào hứng vào cuộc. UBND thành phố đã hỗ trợ một phần kinh phí cho các tác giả thể hiện phác thảo.
Sau một thời gian ngắn, Ban tổ chức đã nhận được 28 mẫu tượng cùng các sa bàn, bản vẽ phối cảnh. Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận, nhiều vòng bỏ phiếu kín để chọn ra ba mẫu hội đủ các tiêu chí đề ra. Đó là mẫu phác thảo của các nhà điêu khắc Lê Đình Bảo, Vi Thị Hoa và Lê Đình Quỳ.
HĐNT nhận thấy các mẫu phác thảo được làm rất công phu kỹ lưỡng gần như một tác phẩm hoàn chỉnh. Mẫu nào cũng được hoặc thành viên này hoặc thành viên khác ưa thích. Có thành viên còn cho rằng mẫu nào cũng xứng đáng được dựng sau khi tiếp tục nâng cao và khắc phục những ưu thế, nhược điểm sau:
- Hình tượng vua Lý của nhà điêu khắc (NĐK) Lê Đình Quỳ dáng vẻ thanh thoát, khuôn mặt thanh tú, cao nhã nhưng hơi thiếu chất nam tính kiên nghị, mạnh mẽ. Các thành phần phụ trợ phong phú. Quần áo được khắc hình lộng lẫy. Tiếc là phần phụ hơi nhiều làm giảm sự chú mục và nhân vật chủ thể. Thêm nữa nét tạo hình rất đặc trưng của con Rồng Lý đời Lý đã không được tác giả tìm hiểu kỹ để đưa vào phác thảo nên đã giảm thiểu độ tin cậy vào sự nghiên cứu của tác giả.
- Mẫu phác thảo của NĐK Lê Đình Bảo bố cục hình tượng vua đứng thẳng, hai tay chắp sau lưng. Khổ người phốp pháp, khuôn mặt phương phi. Dáng đứng với vẻ nhìn oai vệ, tự tin của bậc vương giả. Tuy nhiên bố cục này hơi bị đơn điệu ở hình cắt (hiện ra trên nền trời). Để thể hiện vị vua mộ đạo Phật, tác giả có sáng kiến đặt một hình lá đề (thường tượng trưng cho đạo Phật) phía sau lưng vua, nhưng phần phía sau tượng sẽ bị che lấp và cũng nên cân nhắc có nên không khi để vua đứng trước lá đề mà lá đề lại đặt ở vị trí thấp?
- Bố cục các thế tay của NĐK Vi Thị Hoa biểu thị rõ ý nghĩa của hình tượng: tay phải cầm Chiếu dời đô, tay trái chỉ xuống đất (định đô nơi đây). Hoàng bào mặc trong, áo choàng (kiểu áo tu hành) khoác phía ngoài cũng thể hiện rõ nét một ông vua từng tu hành nơi cửa Phật. Nhược điểm của mẫu này là khuôn mặt vua hơi già, hom hem, thiếu độ sang trọng của một vị vua có cái nhân của đấng tu hành, vừa có cái dũng của vị tướng lãnh “trị quốc, bình thiên hạ”.
Cả ba mẫu đã được HĐNT tiến cử đến các cấp lãnh đạo thành phố xem xét và quyết định lựa chọn. Đây cũng là việc làm được quy định của một Hội đồng tư vấn.
Sau khi mẫu phác thảo được thành phố thông qua, NĐK Vi Thị Hoa cùng các cộng sự được sự góp ý thường xuyên của HĐNT (với các thành viên giới mỹ thuật như họa sĩ Đình Trọng Khang, Trần Khánh Chương, các NĐK Dương Đăng Cẩn, Tạ Quang Bạo, Lưu Danh Thanh, Nguyễn Phú Cường...) cùng sự nỗ lực của bảnthân, tượng đất tỷ lệ 1/1 cao 1010cm (ứng với năm dời đô) đã được chị hoàn thành đúng tiến độ và đem đi đúc đồng.
Trongthời gian này, ông Nguyễn Quốc Triệu - Chủ tịch UBND, ông Phùng Hữu Phú - Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, bà Ngô Thanh Hằng - Phó chủ tịch UBND cùng các ông Phan Đăng Long, Nguyễn Đức Hòa. Nguyễn Doãn Tuân... trong ban lãnh đạo Sở VHTT thành phốđã lần lượt về cơ sở đúc trực tiếp động viên, đôn đốc để tránh những sai sót lớn trong quá trình đúc có thể xảy ra ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành. Gần đấy, hầu như cả làng đá Ninh Vân đều nhận (không nhiều thì ít) toàn bộ các sản phẩm bằng đá trang trí cho mặt bằng công trình như Rồng chầu, Rồng thành bậc, lan can, đèn vườn, đá lát có trang trí hoa văn được gắn trên sân hành lễ.
Một thành công nữa của các kiến trúc sư, kỹ sư thuộc Viện nghiên cứu kiến trúc - Bộ Xây dựng đóng góp vào công trình. Họ đã thiết kế, cải tạo mặt bằng một cách khéo léo làm vườn hoa Chí Linh vốn chật chội đã như được nới rộng ra thoáng hoạt, bề thế.
Sự kết hợp giữa chất liệu đồng vàng của tượng, chất liệu đá xám của các thành phần kiến trúc với màu xanh xẫm của các lùm cây; tỷ lệ giữa tượng với khu vườn; sự sử dụng các mô-típ điêu khắc cổ vào các thành phần kiến trúc đá trên sân hành lễ; trồng mới các cây đại,hàng loạt các chậu cây vạn tuế, trắc bách diệp cùng các thảm hoa rực rỡ mà Công ty Công viên cây xanh đã mang đến... Tất cả đã tạo nên một không khí nghiêm cẩn của “cung đình”, chất cổ kính thâm nghiêm của một khu lăng mộ cổ, nó như một điểm nhấn đầy vẻ thu hút trong tổng thể không gian bao quanh.
Thời điểm thành phố quyết định ngày khánh thành công trình chỉ cách thời điểm 10-10 có bốn tháng trong khi tượng đất tỷ lệ 1/1 chưa nặn, đá chưa khai thác, mặt nền chưa được san bằng và nâng cốt, cây cối chưa được đánh lên sắp xếp trật tự lại... thì chỉ với sự quyết tâm đáng ca ngợi của toàn bộ những người, những khâu thực hiện mới có thể hoàn thành đúng thời điểm quy định. Vì vậy không thể tránh khỏi những chi tiết đâu đó được thể hiện chưa mỹ mãn. Chắc chắn nó sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh trong thời gian tới.
Như vậy món nợ lịch sử đối với người đã có công lập ra Thăng Long - Hà Nội ngày nay đã được hoàn trả xứng đáng. Hy vọng nhiều những bức tượng của các danh nhân gắn bó với Hà Nội sẽ được dựng tiếp trong những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.