(HNM) - Tại hội thảo
Cụ thể, thống kê cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp trên 40% GDP, thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Hiện khu vực doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo…
Từ đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân, tháo gỡ những rào cản các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang phải đối mặt, giúp cho kinh tế tư nhân thực sự trở thành trụ cột, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế?
Để làm được điều đó, trước hết không thể thiếu vai trò của chủ thể, tức sự nỗ lực, năng động, vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế. Cụ thể chúng ta phải không ngừng đổi mới cách thức quản trị kinh doanh, dây chuyền công nghệ, suy nghĩ, tìm tòi và lựa chọn những hướng đi, cách làm phù hợp, tận dụng cơ hội, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác cùng phát triển… Có ý kiến cho rằng, để sánh vai với các cường quốc, Việt Nam phải đạt số lượng khoảng 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và trong tương lai là 5 triệu doanh nghiệp - gấp 10 lần mức 500.000 doanh nghiệp hiện tại. Tuy nhiên đây mới chỉ là số lượng, vấn đề đặt ra cùng với đó là chất lượng doanh nghiệp, hay nói cách khác là sức mạnh của doanh nghiệp; tức là chúng ta phải có được những doanh nghiệp lớn, có tầm cỡ, lọt vào top đầu của thế giới và khu vực.
Như một số ý kiến của chuyên gia kinh tế và các doanh nhân, vấn đề được quan tâm đặc biệt hiện nay là cần có những cơ chế, chính sách minh bạch, thông thoáng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp tư nhân. Đó là các giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội; giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập doanh nghiệp; giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp để kinh doanh thuận lợi, bình đẳng… Hiện chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, điều đó là cần thiết. Nhưng từ kinh nghiệm của các nước phát triển phải thấy rằng, không chỉ cần cắt giảm những đầu mối, thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, chuyển nền hành chính "can thiệp" sang nền hành chính phục vụ, mà cùng với đó phải xây dựng được những cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh minh bạch và hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
Có thể thấy, thể chế và luật lệ không tự thay đổi, hoàn thiện mà phải có sự tác động của những người đang sử dụng và chịu tác động. Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng doanh nhân phải liên kết lại để chỉ ra những điểm chưa hoàn thiện, những điểm gây khó dễ của hệ thống luật lệ, từ đó kiến nghị để các cơ quan quản lý nhà nước bổ sung, sửa đổi các đạo luật hiện hành để nhanh chóng phát huy tác dụng trong đời sống, hỗ trợ tối ưu cho sự phát triển của các doanh nghiệp.
Để khối doanh nghiệp tư nhân thực sự là động lực phát triển thì các doanh nhân không thể "ngồi dưới gốc sung", đợi tới một ngày có "phép thần" trong tay để cạnh tranh sòng phẳng với bạn bè quốc tế. "Phép thần" đó trước hết phải được xây dựng từ nội lực bằng cách giải quyết một số vấn đề nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.