(HNM) - Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng huyện Ba Vì đã tập trung truy bắt nhiều vụ “cát tặc” nhưng đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn huyện vẫn là
Nguyên nhân là do nhu cầu cát cho xây dựng lớn, lợi nhuận từ khai thác cát trái phép khá cao nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn. Dự án khai thác cát tại bãi nổi sông Hồng của Công ty cổ phần Quảng Tây vừa được thành phố cho phép hoạt động và đi vào khai thác từ ngày 30-10-2016 sẽ từng bước giải quyết nhu cầu san lấp mặt bằng, góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép ở địa phương.
Khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Khó khăn quản lý
Từ nhiều năm nay, tình hình khai thác cát trái phép trên các tuyến sông địa bàn huyện Ba Vì diễn biến phức tạp. Việc khai thác cát lòng sông không đúng quy hoạch là nguyên nhân làm biến đổi dòng chảy, tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố công trình đê điều của tuyến đê hữu Hồng, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực, phức tạp về an ninh trật tự, thất thoát tài nguyên khoáng sản… Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, từ cuối tháng 8-2016, trên tuyến đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn các xã Thái Hòa, Tản Hồng, Châu Sơn, Chu Minh, Cam Thượng và Đông Quang đã xảy ra nhiều sự cố sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều…
Để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý; đồng thời, thành lập các tổ kiểm tra chốt chặn tại một số tuyến đường thường vận chuyển cát trái phép… Từ tháng 11-2015 đến nay, Công an huyện Ba Vì đã phát hiện và xử lý 18 vụ với 29 đối tượng có hành vi khai thác khoáng sản trái phép, thu giữ 3 tàu cuốc, 15 tàu sông, 2 máy xúc, 12 đầu nổ, 12 đường ông hút…
Mặc dù các ngành chức năng huyện Ba Vì đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, đặc biệt là ở vùng giáp ranh do các đối tượng ở tỉnh khác tràn sang. Trong khi đó, lực lượng chức năng của huyện Ba Vì không có phương tiện chuyên dùng và công cụ hỗ trợ kiểm tra tàu thuyền trên sông, không có cán bộ sử dụng thành thạo phương tiện tàu, thuyền… nên việc truy bắt, xử lý khó khăn.
Giải pháp khắc phục
Một trong những giải pháp hữu hiệu để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi, đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự, chống thất thu ngân sách… là cấp phép cho doanh nghiệp, cá nhân đủ năng lực tài chính, công nghệ… vào khai thác cát, sỏi trên sông theo quy hoạch. Theo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ba Vì, hiện thành phố đã quy hoạch gần chục điểm khai thác cát trên địa bàn huyện và Công ty cổ phần Quảng Tây đã hoàn thành các thủ tục để được cấp phép khai thác cát làm vật liệu san lấp ở bãi nổi sông Hồng. Thực tế hoạt động khai thác cát lòng sông của Công ty này đã cho thấy giải pháp trên là hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thế Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Quảng Tây, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6439/QĐ-UBND ngày 27-11-2015, thu hồi 20ha đất tại bãi nổi sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn thị trấn Tây Đằng (Ba Vì) giao Công ty cổ phần Quảng Tây thuê để khai thác cát làm vật liệu san lấp. Ngày 16-12-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xác định thực địa và bàn giao mốc giới cho doanh nghiệp… Theo Giám đốc Công ty cổ phần Quảng Tây Nguyễn Thế Sang, sau khi đủ điều kiện pháp luật khai thác mỏ, công ty đầu tư 5 tàu hút, 5 tàu cuốc, 2 tàu vận chuyển bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật… và đã được cơ quan đăng kiểm cấp phép lưu hành, sử dụng. Trước khi chính thức tổ chức khai thác mỏ, công ty đã phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thả phao bảo vệ mốc giới, kiểm tra, đánh giá hiện trạng bờ sông, xây dựng giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy… Để bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, thuận lợi cho hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và nhân dân, công ty sẽ không tổ chức khai thác cát ban đêm, khi cần thiết sẽ báo thời gian, địa điểm cụ thể, thông báo dấu hiệu nhận biết tàu thuyền của đơn vị cho chính quyền địa phương… để tránh tình trạng tàu khai thác trái phép “mạo danh” Công ty hoạt động bừa bãi.
Giám đốc Công ty cổ phần Quảng Tây Nguyễn Thế Sang cũng khẳng định, trong thời gian thành phố giao thực hiện dự án, doanh nghiệp sẽ nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt bảo đảm an toàn đê điều, bảo vệ môi trường; thực hiện đúng các nội dung giấy chứng nhận đầu tư, nộp đủ nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc khai thác khoáng sản đối với Nhà nước; bảo đảm các điều kiện về an toàn giao thông đường thủy khu vực theo quy định… Tuy nhiên, để bảo vệ doanh nghiệp chân chính hoạt động, nộp thuế ổn định, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái phép, buôn bán, sử dụng cát lậu, bảo đảm sự công bằng trong sản xuất kinh doanh bởi hiện nay, cát lậu không phải chịu các nghĩa vụ tài chính giá thành thấp làm khó doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.