Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để chính sách đi vào cuộc sống

Bảo Vy| 18/08/2020 06:59

(HNM) - Theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn để tự tạo việc làm. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng trên vay vốn, song qua giám sát của đại biểu HĐND thành phố cho thấy, chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm còn bất cập.

Tính đến tháng 6-2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay giải quyết việc làm chiếm 52%. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện tập trung ưu tiên cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khiếm thị, người khuyết tật, sau đó mới đến các đối tượng khác, trong đó có lao động nông thôn sau đào tạo nghề.

6 tháng năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay hơn 1.000 tỷ đồng giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 141 tỷ đồng dành để cho vay giải quyết việc làm cho người nghèo và các đối tượng khác, trong đó có lao động nông thôn sau đào tạo nghề.

Giám sát của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm rất lớn, khoảng 71.000 hộ, nhưng mới đáp ứng được 63%, trong đó nhiều lao động nông thôn sau đào tạo nghề muốn được vay vốn song khó tiếp cận. Điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đào tạo nghề.

Để chính sách đi vào cuộc sống, ngoài việc tổ chức đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, các cấp, các ngành cần quan tâm bố trí đủ nguồn vốn vay để lao động nông thôn sau đào tạo nghề có thêm cơ hội việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để chính sách đi vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.