Ngày Pháp luật 9/11 được tổ chức hằng năm không chỉ giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH mà còn đề cao những giá trị nhân bản, để việc chấp hành pháp luật trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.
Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người |
Tạo sự lan tỏa
Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Trong ngày này, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.
Pháp luật của nước ta ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các lợi ích trong xã hội trên nguyên tắc công bằng, minh bạch. Do vậy, Ngày Pháp luật được tổ chức còn nhằm xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền
Bản chất của Nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn pháp luật trong đời sống của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất, ổn định, minh bạch, dân chủ và công bằng. Vì vậy, tổ chức Ngày Pháp luật đáp ứng các yêu cầu trên sẽ trở thành một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Bên cạnh đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân. Pháp luật chỉ có thể trở thành công cụ điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp nhận, chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người.
Bởi thế, phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là khâu đầu tiên của việc thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.
Đề cao giá trị nhân bản
Đặc biệt, đối với mỗi công dân, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật…
Qua đó, giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, xây dựng nếp sống văn hóa mới… Đây là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về đất nước. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Mặt khác, trong lĩnh vực thi hành pháp luật, tổ chức Ngày Pháp luật còn nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh; kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng; quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính. Từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động KTXH và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.