Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao yếu tố hài hòa với thiên nhiên

Thúy Nga| 08/04/2013 06:25

(HNM) - Các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là không thể chậm trễ.

Trồng rừng là hành động thiết thực góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trọng Hải


Ẩn họa khó lường

Mấy ngày gần đây, những trận mưa đá kèm dông lốc với cường độ lớn và gây thiệt hại không nhỏ cho người dân các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung bộ. Tại tỉnh Lào Cai, trận mưa đá lịch sử chưa từng có xảy ra đêm 26, rạng ngày 27-3 tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai đã làm 11.878 ngôi nhà bị hư hỏng, hàng nghìn héc ta hoa màu, cây ăn quả bị hỏng, với tổng thiệt hại hơn 70 tỷ đồng. Mưa đá còn khiến 30 người bị thương. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trận mưa tại tỉnh Lào Cai kéo dài 20 phút với những viên đá có kích thước 1-2cm, thậm chí có viên có kích thước từ 10-14cm, với mức độ dày đặc như vừa qua là rất hiếm. Dự báo thời gian tới, ở các vùng núi cao như Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung bộ nhiều khả năng xảy ra mưa đá rất nguy hiểm và kèm theo tố, lốc, lốc xoáy, vòi rồng, sét...

Diễn biến thời tiết cũng đang gây nhiều bất lợi cho các tỉnh Nam bộ, Trung bộ và Tây Nguyên. Thống kê của Bộ NN&PTNT, trữ lượng nước trong nhiều hồ, đập ở miền Trung và Tây Nguyên hiện chỉ đạt 20-40% dung tích thiết kế. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đến thời điểm này các địa phương đã xuống giống được hơn 30% diện tích trong tổng số 1,7 triệu héc ta lúa. Thế nhưng hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, cộng với tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện sớm so với nhiều năm là nguy cơ khiến hàng nghìn héc ta lúa bị mất trắng tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu... Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nắng nóng ở các địa phương này tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô và nước ngập do triều cường vào mùa mưa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là do tác động của BĐKH. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì sẽ có 70% diện tích lúa của vùng này bị nhiễm mặn, tức là sẽ mất đi khoảng 1,5-2 triệu héc ta đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước biển. Ông Lê Thanh Hải cho rằng, những hiện tượng thời tiết thời gian qua cho thấy, BĐKH đã và đang đe dọa đến cuộc sống hằng ngày của người dân, đến an ninh lương thực của Việt Nam.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Để giảm thiểu thiệt hại thiên tai gây ra, tại hội thảo chuẩn bị đề án chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với BĐKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương đều coi nhiệm vụ ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Trong đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là quan trọng nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH bấy lâu chưa thực sự đồng đều.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, với những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến môi trường, nhận thức tốt thì hiểu sâu nhưng người dân khu vực nông thôn còn chưa có nhiều thông tin. Bởi thế, giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng cần làm quyết liệt hơn, bài bản hơn. Đồng quan điểm, TS Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác BĐKH Cần Thơ cho rằng, để người dân có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tác động do BĐKH gây ra phải tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu đúng, hiểu đủ để có giải pháp thích nghi với thiên tai.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ khả năng thích nghi với BĐKH cho nông dân chỉ có thể thành công khi phù hợp với tập quán, sinh hoạt của họ. Việc chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hay triển khai các chính sách, chiến lược đều cần tính đến yếu tố hài hòa với thiên nhiên từ bao đời nay ở mỗi một vùng đất.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang nỗ lực chống lại tác động tiêu cực của BĐKH, thể hiện qua định hướng thu hút đầu tư. Theo đó, Chính phủ khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường, phối hợp thực hiện các dự án phát triển bền vững, đồng thời xây dựng các danh mục dự án thuộc lĩnh vực BĐKH để kêu gọi tài trợ và tiếp nhận công nghệ từ các nước phát triển... Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia đề nghị, Việt Nam cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nỗ lực hơn trong cung cấp nguồn nước sạch nông thôn, tạo sinh kế cho người dân, không để người dân khai thác quá cạn kiệt nguồn nước ngầm và tài nguyên rừng. Ngoài ra, để người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp, việc ban hành những chính sách an ninh lương thực bền vững hướng đến người trồng lúa, người nghèo là hết sức cần thiết...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao yếu tố hài hòa với thiên nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.