Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao trách nhiệm

Thiện Mỹ| 03/11/2020 06:18

(HNM) - Những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên toàn địa bàn thành phố nói chung và vùng ngoại thành Hà Nội nói riêng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư. Song, so với mục tiêu 100% thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa) được đề ra tại Chương trình số 04/CTr-TU Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, thì đến nay toàn thành phố vẫn còn 187 thôn chưa có nhà văn hóa.

Sự khuyết thiếu này khiến các hoạt động hội họp, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở một số địa phương bị hạn chế khi phải tổ chức nhờ ở đình làng, trường học; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng kém sôi nổi trong khu dân cư... Những thực tế nêu trên cùng những khó khăn liên quan đến kinh phí xây dựng, vướng mắc trong khâu quy hoạch nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng... đã khiến tiến độ xây dựng hệ thống này còn chậm và đối mặt với nhiều khó khăn.

Vướng mắc lớn nhất khiến 187 thôn hiện nay chưa có nhà văn hóa được xác định do chưa có kinh phí xây dựng (158 thôn). Trước thực tế này, thành phố đã chủ trương để các quận có điều kiện hỗ trợ những địa phương còn khó khăn; đồng thời sẽ bố trí ngân sách thành phố cho những nơi chưa có nguồn hỗ trợ... Phương thức giải quyết đã có, song nếu không nỗ lực thì mục tiêu 100% thôn có nhà văn hóa cũng sẽ rất khó thành hiện thực.

Có thể thấy, số thôn còn “trắng” nhà văn hóa ở Hà Nội phần lớn đều có vướng mắc tồn tại đã lâu, khó giải quyết. Vì thế, với chủ trương của thành phố về bố trí kinh phí, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quỹ đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch thì các cơ quan chức năng và chính quyền cấp cơ sở phải chủ động vào cuộc. Đặc biệt, với 12 thôn đã được bố trí ngân sách huyện để xây dựng nhà văn hóa nhưng chưa khởi công, 7 thôn đã xây dựng nhưng chưa hoàn thành cần khẩn trương hoàn thiện ngay trong năm 2020 và phải bảo đảm chất lượng.

Dự án xây dựng nhà văn hóa thôn khá rành mạch phần việc của từng cấp, từng cơ quan. Vì thế, cần quy trách nhiệm, tiến độ cụ thể cho từng đơn vị để mỗi vướng mắc đều rõ đầu mối giải quyết; những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ phải bị xem xét trách nhiệm.

Đồng thời, bên cạnh chủ trương bố trí kinh phí đầu tư của thành phố thì các huyện, xã cũng phải chủ động tháo gỡ khó khăn. Những địa phương còn vướng mắc trong quy hoạch về địa điểm xây dựng cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan để xác định lại vị trí cho phù hợp, tránh để sự chồng chéo, trùng lắp kéo dài; những nơi chưa có kinh phí xây dựng thì đẩy mạnh đấu giá đất để tạo nguồn thu cũng như kêu gọi xã hội hóa nhằm có thêm nguồn lực phân bổ cho việc xây dựng thiết chế này.

Bên cạnh đó, những địa phương đã hoàn thiện thiết chế này cần gây dựng cho được những hoạt động thực sự thiết thực với đời sống, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân, khẳng định rõ hiệu quả của đầu tư cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Đến thời điểm này, mục tiêu 100% thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng khó hoàn thành theo đúng kế hoạch, song không vì thế mà buông lơi quyết tâm. Trái lại, yêu cầu đặt ra là các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần đề cao hơn nữa trách nhiệm, quyết liệt thực hiện các giải pháp để sớm hoàn thành nhiệm vụ này ngay trong những tháng đầu của năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề cao trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.