(HNM) - Ngày 16-6, Quốc hội (QH) sẽ thảo luận về dự án Luật Tổ chức QH sửa đổi. Phải tạo điều kiện như thế nào để đại biểu (ĐB) QH là trung tâm của QH, hoàn thành những chức năng, nhiệm vụ được giao là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Sẽ có chức danh Tổng Thư ký Quốc hội
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đoàn ĐBQH, dự án Luật Tổ chức QH sửa đổi công bố tháng 5 này vẫn giữ quy định: Một số chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao do QH bầu phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp khi nhậm chức. Theo Ban soạn thảo, đề xuất này nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước. Mặt khác, chức danh nào phải tuyên thệ khi nhậm chức đã được quy định trong Hiến pháp nên trong dự án Luật Tổ chức QH chỉ thể chế hóa nội dung này.
Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Viết Thành |
Bên cạnh đổi mới trên, dự án lần này cũng có nhiều điểm đáng chú ý, làm nổi bật hơn vai trò của QH, các ĐBQH. Cụ thể, xác định rõ, ĐBQH đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử; thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong QH; chịu trách nhiệm trước cử tri, trước QH về việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mình. Khi xét thấy cần thiết, QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp, về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quan trọng hoặc về những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của QH.
Liên quan đến tổ chức của QH, dự luật xác định tổng số ĐBQH không quá 500 người, đồng thời quy định nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên ít nhất là 35% tổng số ĐBQH thay vì 30% như hiện nay. Ủy ban Thường vụ QH cũng đề nghị quy định trong luật chức danh Tổng Thư ký QH thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp như hiện nay. Việc lập chức danh Tổng Thư ký QH thực chất là sắp xếp, bố trí lại công việc cho hợp lý hơn, bảo đảm gắn kết giữa các bộ phận của bộ máy giúp việc để phục vụ tốt hơn hoạt động của QH. Tổ chức của Văn phòng QH không thay đổi, không kéo theo việc tăng tổ chức và nhân sự như lo lắng của một số ĐBQH.
Nâng thời gian làm việc và trách nhiệm đại biểu
Những thay đổi, chỉnh sửa nêu trên là hợp lý. Song, làm thế nào để ĐBQH là trung tâm, hạt nhân đổi mới như mục tiêu Ban soạn thảo đề ra; việc quy định nhiệm vụ của ĐBQH để đạt mục tiêu tăng cường năng lực, trách nhiệm, thẩm quyền hoạt động độc lập, không để vai trò cá nhân của ĐBQH bị lu mờ là vấn đề nhiều người băn khoăn.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, khi đã đề cao vai trò của ĐBQH, về logic thẩm quyền và trách nhiệm của đoàn ĐBQH sẽ thấp hơn, bởi thực tế đây chỉ là tổ chức sinh hoạt, phục vụ cho hoạt động của ĐBQH nên không thể có thẩm quyền độc lập. Theo nguyên tắc, quy định quyền hạn và trách nhiệm của QH rất lớn thì cũng phải quy định thời gian cụ thể để các ĐBQH tham gia hoàn thành các công việc của QH. Song, dự thảo đề xuất, ĐBQH phải dành tối thiểu 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH là điểm chưa hợp lý. "Đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp hiện nay rất nhiều. Cử tri tin tưởng gửi cho ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử của mình nghiên cứu, đôn đốc giải quyết nhưng chất lượng xử lý chưa được như mong muốn. Mặt khác, vai trò của ĐBQH còn thể hiện xuyên suốt trong các hoạt động xây dựng pháp luật; giám sát; tiếp xúc cử tri; tiếp công dân thì tối thiểu ĐBQH phải dùng 50% thời gian để làm các công việc của QH" - bà Nguyễn Thị Tý, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cũng nêu quan điểm, quy định các điều kiện cụ thể để ĐB thực hiện trách nhiệm như thế nào cũng là một việc phải tiếp tục nghiên cứu. Hiện nay, chúng ta đang có 2 nhóm: Nhóm ĐBQH hoạt động chuyên trách và nhóm ĐBQH hoạt động không chuyên trách. Yêu cầu nhóm hoạt động không chuyên trách phải dành tối thiểu 1/3 thời gian cho hoạt động QH có khả thi hay không cần tính đến, vì thực tế họ phải lo việc chuyên môn ở cơ quan đang làm việc, có người thực hiện nhiệm vụ ĐBQH không bảo đảm, thậm chí họp QH cũng có buổi vắng mặt. Do đó, theo bà Trương Thị Mai, phải nghiên cứu, quy định trong luật này quyền được ưu tiên: Khi có công việc chồng lấn thì ĐBQH hoạt động không chuyên trách phải lựa chọn trách nhiệm ĐBQH đầu tiên, mới giải quyết được hạn chế hiện nay.
Đề xuất trên rất hợp lý, tạo điều kiện để các ĐBQH không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ QH, Đoàn ĐBQH giao. Song, nếu áp dụng có thể vẫn vướng, không đạt kết quả như mong muốn vì với các ĐB không chuyên trách, việc nhận xét hoàn thành nhiệm vụ hằng năm ra sao là do địa phương, nơi công tác nhận xét chứ không phải là Đoàn ĐBQH. Do đó, nếu quy định theo hướng đề xuất của bà Trương Thị Mai, cũng cần giao thêm quyền đánh giá chất lượng ĐBQH không chuyên trách cho Ủy ban Thường vụ QH, hoặc chí ít là Ban Công tác đại biểu của QH. Song song với đó, rất cần nâng thời gian tối thiểu dành cho hoạt động QH của các ĐBQH. Hai điểm này là mấu chốt, tiền đề của đổi mới, nâng cao trách nhiệm của ĐBQH và phải nghiên cứu để quy định cho thỏa đáng ngay khi QH thảo luận về dự án Luật Tổ chức QH sửa đổi ngày 16-6.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.