(HNM) - Đang có hiện tượng những người giỏi sau một thời gian làm việc ở cơ quan nhà nước đã
Tuy nhiên, sau khoảng hai năm triển khai, thực tế không như kỳ vọng. Đang có hiện tượng những người giỏi sau một thời gian làm việc ở cơ quan nhà nước đã "dứt áo ra đi". Số tỉnh, thành phố ban hành quyết định thành lập đủ 14 phòng pháp chế ở 14 sở theo quy định của Nghị định 55 rất hiếm. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, hầu hết các địa phương đều cho rằng do lương thấp, khó giữ chân cán bộ. Tiếc rằng, nói vậy mà không hẳn vậy, ít nhất từ góc độ công việc.
Ở những đơn vị chưa có bộ phận pháp chế chuyên trách, hầu hết lực lượng làm công tác pháp chế đều phải làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Ngoài công tác xây dựng, thẩm định văn bản, lực lượng này còn phải thực hiện một số chuyên môn khác theo phân công của lãnh đạo đơn vị. Trong khi đó, công việc chính đã rất nặng nề. Cán bộ pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương thường phải đảm đương từ khâu làm đầu mối giúp lãnh đạo chuẩn bị ý kiến bằng văn bản đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến việc xây dựng cơ chế, chính sách dưới dạng quyết định, nghị định, thông tư; làm dự thảo các loại hợp đồng; tham gia quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng; phổ biến pháp luật, rà soát văn bản, đóng góp vào việc giải quyết khiếu nại tố cáo…
Ở khối doanh nghiệp, ngoài một phần nhiệm vụ nêu trên, bộ phận pháp chế còn có chức năng tham mưu, tư vấn cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với một khối lượng lớn công việc phức tạp, đòi hỏi cán bộ pháp chế dù làm việc ở đâu cũng phải có một trình độ pháp lý cao, cùng với những kiến thức hiểu biết sâu rộng. Điều này, rõ ràng rất mâu thuẫn với chế độ kiêm nhiệm hiện nay của đa phần các cán bộ pháp chế, chưa nói đến điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ...
Như vậy, nguyên nhân không hẳn hoàn toàn như các địa phương, đơn vị đã giải thích mà sâu xa hơn phải chăng là từ chính nhận thức của lãnh đạo các đơn vị, địa phương chưa coi trọng đúng mức vị trí của cán bộ pháp chế. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan pháp chế, gắn với trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần có thông tư hướng dẫn cụ thể trường hợp phải có tổ chức làm công tác pháp chế chuyên trách; đề xuất có quy định về chế độ hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế như là một chế độ chính sách nhằm thu hút cán bộ làm công tác pháp chế an tâm với nghề. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, chắc chắn tình trạng “nhảy việc” còn diễn ra và công tác pháp chế mãi "giẫm chân tại chỗ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.