(HNM) - Thượng tá Nguyễn Thị Tiến (nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV) đã ba lần là khách mời của chương trình
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến vẫn trăn trở với bao di vật của đồng đội. |
Nước mắt ngày đoàn tụ
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến - sinh năm 1955 trên mảnh đất nắng gió miền Trung (Nghi Lộc - Nghệ An). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, chị về giảng dạy tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Đồng Tháp. Năm 1984, chị chuyển về làm cán bộ thuyết minh của Bảo tàng Quân khu IV và nghỉ hưu với chức vụ Phó Giám đốc bảo tàng. Nhiều năm gắn bó với nghề hiểu và đồng cảm trước nỗi đau của thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt của con em mình, chị Tiến xin phép cơ quan đi theo các đội quy tập hài cốt liệt sĩ, vừa sưu tập những di vật phục vụ công tác giáo dục truyền thống, vừa hy vọng qua các di vật ấy có thể tìm lại tên tuổi, quê hương của họ. Chị lặn lội khắp các chiến trường xưa, theo chân hàng trăm đoàn quy tập mộ liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc. Mỗi lần như vậy, tranh thủ lúc anh em trong đội nghỉ giải lao, chị lụi cụi thắp hương, lần tìm và xin cất giữ các di vật, để đem về xác minh.
Lặng lẽ như vậy, chị Nguyễn Thị Tiến đã tìm thấy hàng trăm di vật, từ cái cối giã trầu bằng vỏ đạn, chiếc lược nhôm, cặp tóc, vòng tay đến những tấm ảnh, bút máy Hồng Hà... Những di vật đã nói hộ cho những linh hồn tưởng như đã vĩnh viễn chôn chặt dưới lòng đất cùng phần mộ liệt sĩ vô danh, được nâng niu, cất giữ. Mỗi di vật là một câu chuyện cảm động, một nỗi đau riêng... đã được chị tập trung nghiên cứu trong đề tài khoa học mang tên "Góp phần xác định liệt sĩ chưa biết tên và công tác bảo tồn trưng bày di vật", được giải A cấp quân khu. Và với đề tài khoa học này, chị đã góp phần trả lại tên cho hàng trăm liệt sĩ.
Lần đầu tiên lên sóng truyền hình trong chương trình "Người đương thời” cách đây hơn chục năm (năm 2000), Thượng tá Nguyễn Thị Tiến đã chuẩn bị sẵn những câu chuyện liên quan đến hành trang đi tìm đồng đội của mình, nhưng không hiểu sao đến lúc đó, trước hàng triệu khán giả chị chỉ trực bật khóc. Những câu chuyện đi tìm đồng đội trong rừng sâu núi thẳm, những kỷ vật của người chiến sỹ đã ngã xuống vì quê hương mà chị đang còn gìn giữ... qua những câu chuyện ngắt quãng vì xúc động của Thượng tá Nguyễn Thị Tiến đã khiến nhiều khán giả truyền hình bật khóc theo.
Lần tìm trong những món đồ vô giá của đồng đội để lại, Thượng tá Nguyễn Thị Tiến chỉ cho tôi di vật được tìm thấy trong hài cốt có tên là Hương, đó là một chiếc gương soi cỡ 5x8, mặt sau gương có một chiếc ảnh đen trắng cỡ 3x4 chụp một bà mẹ già khoảng 50 tuổi, đầu chít khăn vấn tròn. Qua một quãng thời gian chôn sâu trong lòng đất, tấm ảnh không thể nhìn rõ mặt vì vết máu khô loang lổ. Chị Tiến nhớ lại, khi thấy tấm ảnh trong hài cốt, tất cả những người có mặt trong đoàn quy tập đều đoán người trong ảnh là mẹ liệt sĩ. Biết tôi có ý muốn giữ lại, một anh lính trẻ thủ thỉ: "Cô ơi, hành trang của anh ấy chỉ có thế thôi. Mẹ đã theo anh khắp chiến trường thì cứ để mẹ nằm với anh trong mộ, cô đừng lấy đi kẻo tội anh ấy lắm!." Nhưng với linh cảm của người phụ nữ, rằng biết đâu từ tấm ảnh này sẽ đưa người chiến sĩ đó về với mẹ, chị Tiến đã thuyết phục được mọi người giữ lại tấm ảnh người mẹ đã phai màu năm tháng.
Câu chuyện cảm động này về sau đăng tải trên một số ấn phẩm báo chí cùng với tấm ảnh được chị Tiến xin giữ lại bằng cả lòng trắc ẩn. Phải đến 10 tháng sau, trong khi đang tất bật chuẩn bị cho một chuyến đi tìm đồng đội, thật vui mừng, chị Tiến nhận được tin của người nhà liệt sĩ Hương rằng mẹ Diệp, người trong ảnh vẫn còn sống tại Hưng Yên. Liệt sĩ tên Hương cũng được xác định tên đầy đủ là Bùi Danh Hương. Chuyến đưa hài cốt liệt sĩ Bùi Danh Hương về với mẹ mãi mãi hằn sâu trong tâm trí chị Tiến. Mẹ Diệp khi đón anh Hương về đã 94 tuổi, tai không nghe được nhưng linh cảm về giọt máu đào thì vẫn vẹn nguyên. Nước mắt dường như đã cạn khô, mẹ cứ ôm bức ảnh chính mình lấm lem cùng máu khô của con trai mà khắc khoải: "Nó đâu rồi, nó đâu rồi!". Dù đã chứng kiến nhiều cảnh đoàn tụ cảm động nhưng bữa đó không chỉ riêng chị Tiến mà mọi người trong đoàn không ai cầm được nước mắt.
Đưa các anh về…
Đến giờ, dù đã về hưu, nhưng chị Tiến chưa một ngày ngơi nghỉ. Chị vẫn âm thầm làm công việc phân loại những di vật liệt sĩ còn chưa tìm về được quê hương. Hành trang người lính thời bình vẫn vẹn nguyên ba lô con cóc để sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào khi những thông tin về người đồng đội nằm xuống khớp nối với một trong những kỷ vật chị đang gìn giữ hoặc biết đến. Cầm từng di vật của liệt sĩ: chiếc bút, chiếc kính gãy gọng, chiếc khăn tay… chị khẽ khàng nói với chúng tôi: "Rồi thời gian vụt qua đi, những di vật này ngày lại lặng im nằm đó, cũng như biết bao di vật đang âm thầm cô đơn nơi hoang vắng. Để rồi bao nấm mộ mãi mãi bị đè nặng bởi tấm bia đá lạnh lùng trong tên gọi: Vô danh!".
Trong một gian trưng bày ở Bảo tàng quân khu IV, có những hòn đá núi, hòn đá cuội, mảnh cây, cây bút khắc tên và đương nhiên cả tấm bia nữa… những cái tên như: Đ-H-Lượng; Trần Văn Lợi; Nguyễn Văn Sông… Khiến chị bao đêm mất ngủ. Họ quê ở đâu? đơn vị nào?
Chị Tiến nghẹn ngào kể: "Tôi còn nợ liệt sĩ Bùi Ngọc Thuần một lời hứa trước khi chuyển hòn đá có khắc tên anh về bảo tàng. Một dòng tên khắc vào hòn đá núi: TK.B4. Bùi Ngọc Thuần. 12/12/66, phần mộ của anh đã được đưa về nghĩa trang đường 9, mộ số 300. Nhưng quê anh ở đâu? Ai là thân nhân? TK.B4 là đơn vị nào? Nhiều năm rồi tôi hỏi khắp nơi mà chưa thấy có hồi âm". Chị ao ước: "Tôi ước chi tìm được mẹ cho anh để đưa anh về với mẹ".
"Tôi không muốn ly kỳ hóa công việc tìm kiếm hài cốt, trả lại tên cho các liệt sĩ nhưng trong quá trình đi tìm các anh cũng có những sự ngẫu nhiên đến lạ lùng". - Đôi mắt chị Tiến chợt xa xăm. Đó là câu chuyện xảy ra từ ngày 14-1 đến 26-1-2000, sau khi chị có chuyến công tác dài qua sáu tỉnh, sang cả nước bạn Lào theo các đội quy tập đưa hài cốt liệt sĩ về. Bữa về đến nhà, trời đã gần sáng, chị cố ngủ cho lại sức để chuẩn bị đi tiếp vào Hà Tĩnh đón đoàn quy tập từ BuLiKhămXây (Lào) về. Mới thiếp đi một lát, chị chợt thấy có anh bộ đội hiện về trong giấc mơ và nói: "Này O, O mà ngủ bây giờ là ốm đấy. O vào đón em về đi. Lần này nhiều di vật lắm". Chị giật mình tỉnh giấc và nhớ rằng còn phải đi Hà Tĩnh, thế là lại sốc ba lô lên đường. Và trong 42 bộ hài cốt lần đó, chị tìm được một lọ đựng mảnh giấy đã mờ, sau khi dùng kính lúp thì luận ra được tên anh: Trương Xuân Đình, E271, quê ở Bản Ngọc, Quỳ Hợp, Nghệ An. "Tôi tin đó chính là anh bộ đội đã gặp trong giấc chiêm bao và đến giờ vẫn nhớ như in khuôn mặt của anh với chiếc răng khểnh trông rất duyên". 10 năm rồi chị Tiến vẫn ước ao giá mà đến được quê anh, có được tấm hình để xem có giống người trong mơ hay không.
Bên cạnh Bảo tàng Quân khu IV, căn nhà số 68 Cù Chính Lan, khối 7 phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An vẫn được Thượng tá Nguyễn Thị Tiến dành hẳn một tầng để lập bàn thờ liệt sĩ và lưu giữ những kỷ vật, những cuốn sách cùng hàng ngàn bức thư từ mọi miền đất nước gửi về. Số điện thoại tổng đài 1080 của Hà Nội đã lưu số điện thoại của Thượng tá Nguyễn Thị Tiến để cung cấp cho thân nhân liệt sĩ. Còn chị Tiến, lại tiếp tục với những chuyến đi không mệt mỏi. Chị luôn tâm niệm, có biết bao người con đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, các anh đang nằm lại đâu đó ở lưng đèo, cuối dốc, hay những cánh rừng xa ngái... Và chị, sẽ cố hết sức mình để đưa các anh trở về quê hương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.