Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để các anh không còn là vô danh

Dương Hiệp| 07/02/2012 04:56

(HNM) - Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (HTGĐLSVN) quân phục chỉnh tề từ sớm, sẵn sàng cho buổi lễ trao kết quả giám định gen của các liệt sĩ.

Dù đã nhiều lần người lính già đầu bạc từng kinh qua bao trận mạc trải lòng với những cảm xúc khi đưa đồng đội về quê hương, nhưng hôm nay ông vẫn không khỏi bùi ngùi trước những di vật thiêng liêng của đồng đội: một mẩu xương lẫn với đất mẹ, một mẫu tóc đựng trong cái lọ chỉ bé bằng ngón tay út...

"Khai sinh" cho người đã khuất

Người lính già lặng yên và nghiêm trang bên bàn thờ Tổ quốc, nơi những di vật đó được bày trang trọng kèm theo mẫu chứng nhận ADN như một bản khai sinh thứ hai cho các anh sau bao năm lưu lạc, quạnh quẽ nơi góc rừng, chân núi xa xôi. Ông lặng lẽ thắp cho đồng đội một nén nhang thơm, cầu chúc các anh bình an trở về vòng tay yêu thương của gia đình.

Mẹ Đặng Thị Thục (giữa), 83 tuổi, là mẹ liệt sĩ Nguyễn Minh Thông đã tìm thấy con sau hơn 40 năm.

Trung tướng Lê Văn Hân tâm sự: "Khác với các phương pháp tìm và xác định chính xác mộ liệt sĩ, phương pháp giám định gen hài cốt liệt sĩ cho kết quả chính xác và khoa học nhất. Tuy phương pháp này tốn kém về tiền bạc (khoảng 10 triệu đồng một lần giám định) nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất chúng tôi vẫn làm tròn nghĩa vụ với người đã khuất bằng cách không thu kinh phí của thân nhân liệt sĩ. Chúng tôi luôn xác định công việc nghĩa tình này như một lần thứ hai làm khai sinh cho đồng đội". Cũng theo Trung tướng Lê Văn Hân, trong tháng 11-2011, Hội đã tổ chức 3 đợt trao kết quả đúng cho 34 gia đình liệt sĩ. Ngày 9-1-2012 vừa qua, Hội tiếp tục nhận kết quả giám định gen hài cốt liệt sĩ từ Viện Công nghệ sinh học và Viện Pháp y quân đội, trong đó 9 mẫu cho kết quả đúng, 6 mẫu kết quả không đúng... Sáng 13-1-2012, Hội phối hợp với Cục Người có công - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết quả giám định gen (CNKQGĐG) hài cốt liệt sĩ cho 8 gia đình thân nhân liệt sĩ. Đây là lần thứ 8 hoạt động ý nghĩa này được tổ chức.

Như chúng ta đã biết, đất nước đã trải qua những năm tháng chiến tranh kéo dài, số lượng liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh theo thống kê trên toàn quốc khoảng hơn 1 triệu người... Đến nay, cả nước đã nỗ lực tìm kiếm, quy tập được khoảng 915.000 người, ước tính vẫn còn khoảng 135.000 liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, quê quán... Các anh vẫn còn nằm lại đâu đó nơi con suối, góc rừng hoặc vẫn còn vô danh tại các nghĩa trang. Mấy chục năm qua, mong muốn tìm được mộ người thân là khát khao cháy bỏng của bao gia đình. Hiểu được nguyện vọng đó, từ khi thành lập đến nay, hoạt động tri ân liệt sĩ và giúp các gia đình giám định gen hài cốt luôn được những người lính xác định như một mệnh lệnh thiêng liêng. Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội HTGĐLSVN khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 100 mẫu hài cốt liệt sĩ được Hội giới thiệu đi giám định, 83 mẫu đã cho kết quả, trong đó 55 trường hợp cho kết quả chính xác. "Đây là niềm vui lớn không chỉ của gia đình thân nhân các liệt sĩ mà còn là niềm vui chung của toàn xã hội" - Đại tá Nguyễn Hùng Phong nhấn mạnh.

Hạnh phúc ngày đoàn tụ

Lẫn trong bao thân nhân hồi hộp đợi giây phút đón liệt sĩ trở về, mẹ Đặng Thị Thục (83 tuổi, trú tại xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), mẹ liệt sĩ Nguyễn Minh Thông rưng rưng nước mắt nói: "Hôm nay là ngày vui lớn của gia đình chúng tôi. Xin cảm ơn Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ gia đình trong suốt thời gian dài tìm kiếm hài cốt con trai tôi". Liệt sĩ Nguyễn Minh Thông hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Nam với những thông tin ít ỏi, chỉ vẻn vẹn mẩu giấy báo tử gửi về gia đình. Kể từ sau ngày đất nước giải phóng, mẹ Thục dù tuổi cao sức yếu đã rất nhiều lần vào Nam tìm hài cốt con trai, nhưng không có kết quả. Sau bao năm tháng lặn lội, đến tận tháng 11-2011, phần hài cốt thất lạc của liệt sĩ Nguyễn Minh Thông mới được gia đình tìm thấy. Ngay lập tức gia đình đã làm đơn gửi lên Hội HTGĐLSVN nhờ giám định gen để xác định chính xác danh tính người thân. "Từ hôm nhận được thông báo lên Hà Nội nhận giấy chứng nhận kết quả, tôi không ngủ được. Cuối cùng con trai tôi đã trở về".

Trao đổi qua điện thoại từ Bình Phước xa xôi, ông Bùi Văn Tuấn, em trai liệt sĩ Bùi Văn Kha (quê ở xã Tân Hải, huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết, sát ngày Tết cổ truyền, sau khi được Hội HTGĐLSVN xác định chính xác thông tin từ mẫu hài cốt lấy từ nghĩa trang liệt sĩ Bình Long, thuộc tỉnh Bình Phước là của liệt sĩ Bùi Văn Kha, gia đình đã lên đường vào tận nơi đón thân nhân về sum vầy kịp Tết Nhâm Thìn. Giọng nghẹn ngào vì xúc động, ông Bùi Văn Tuấn cho biết, cuối cùng thì gia đình đã tìm được anh Bùi Văn Kha lẫn trong bao ngôi mộ vô danh khác nhờ phương pháp chính xác và khoa học đầy tin cậy.

Theo Trung tướng Lê Văn Hân: "Trong chiến tranh hầu hết các liệt sĩ khi hy sinh, đơn vị đều gửi giấy báo tử về nhà. Nhưng do việc bảo đảm tuyệt mật thông tin nên giấy báo tử thường chỉ ghi tên, còn tên đơn vị cũng như địa điểm trận đánh hoặc nơi chôn cất các anh đều được ghi bằng ký hiệu. Đó chính là khó khăn lớn của gia đình và xã hội trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nhiều trường hợp nhận được giấy báo tử ghi bằng những ký hiệu, phiên hiệu nên nhiều gia đình cầm giấy báo tử đi tìm hàng chục năm trong vô vọng do không biết được những thông tin đích xác về đơn vị, nơi hy sinh và nơi mai táng của liệt sĩ". Hiện tại, bằng tất cả nỗ lực của toàn xã hội, trong số 900 nghìn ngôi mộ được quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước thì vẫn còn 1/3 trong số đó là mộ vô danh. Như vậy có khoảng 500 nghìn liệt sĩ đã hy sinh mà gia đình chưa tìm thấy. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đối với thân nhân gia đình là hết sức khó khăn. Với những ngôi mộ vô danh thì việc giám định ADN sẽ là cơ sở khoa học chính xác nhất để giúp cho gia đình liệt sĩ xác định đúng người thân của mình.

Vị tướng già kể cho chúng tôi nghe câu chuyện những ngày đầu đảm đương cương vị Chủ tịch Hội HTGĐLSVN hết sức nặng nề và đầy trách nhiệm của mình. Trăn trở lớn nhất của những người lính thời bình hôm nay như Trung tướng Lê Văn Hân chính là hầu hết gia đình liệt sĩ trên toàn quốc hiện nay vẫn đi tìm hài cốt thân nhân của mình trong vô vọng vì thiếu thông tin chính xác về đơn vị của các anh, không thể biết nơi hy sinh và không thể biết nơi mai táng thông qua những dòng báo tử ngắn gọn với những ký hiệu khó hiểu. Bằng nhiều phương pháp khác nhau, họ đã tìm ra phần mộ của thân nhân mình nhưng ngôi mộ lại không có tên, như trường hợp gia đình anh Đoàn Xuân Khu ở Hà Nội. Sau bao tháng năm kiếm tìm, mới đây gia đình anh đã đưa được hài cốt của chú ruột anh là liệt sĩ Đoàn Hồng Vinh, hy sinh từ năm 1968 khi mới 19 xuân xanh. Đã nhiều lần gia đình anh Đoàn Xuân Khu lặn lội khắp những cánh rừng Đông Nam bộ đi tìm người chú đều bặt vô âm tín. Sau 43 năm kiếm tìm, qua nhiều nguồn tin gia đình mới xác định được liệt sĩ Đoàn Hồng Vinh hiện đang an nghỉ ở Nghĩa trang Đồng Xoài, lẫn trong bao ngôi mộ còn đang xác định thông tin chính xác khác. Tìm được mộ rồi nhưng gia đình vẫn trăn trở vì không biết người anh hùng nằm dưới ba thước đất kia có phải là người thân không. Trăn trở đó được giải tỏa khi nhờ có thông tin trên mạng, gia đình anh đã tìm tới Hội và được hỗ trợ xác định ADN. Tháng 10 vừa qua, gia đình anh Đoàn Xuân Khu đã vào chiến trường Đồng Xoài xưa, đón liệt sĩ Đoàn Hồng Vinh về quê hương.

Cũng hoàn cảnh như vậy, gia đình liệt sĩ Nguyễn Tuyển Quân ở Bắc Ninh hy sinh tại mặt trận Quảng Trị từ năm 1968 đã tìm thấy anh nằm ở một khe suối khi xương cốt đã hòa vào đất đai, cây cỏ. Bằng phương pháp giám định ADN một phần thi thể còn lại, trùng khớp với gen di truyền trên mẫu tóc người em gái út. Chỉ còn nắm đất nơi anh nằm lại, đưa về quê nhà cũng đủ an ủi người mẹ già của liệt sĩ năm nay đã 89 tuổi nguôi ngoai nỗi đau…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn trong mỗi làng quê, con phố trên khắp dải đất Việt thân thương. Có biết bao bà mẹ, người vợ, người con, thân nhân liệt sĩ... đang ngày đêm khắc khoải, hy vọng tìm được chính xác phần mộ người thân. Cùng với các chính sách chăm sóc người có công, thân nhân liệt sĩ đang được cả nước cùng các địa phương triển khai có hiệu quả, việc đưa tiến bộ khoa học vào xác định gen, bớt đi một tấm bia vô danh trong nghĩa trang liệt sĩ, thêm một hài cốt mới tìm được ở các chiến trường xưa được xác định danh tính... đã phần nào xoa dịu bớt một nỗi đau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để các anh không còn là vô danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.