(HNM) - Hơn nửa tháng sau khi Luật Bảo hiểm y tế mới chính thức có hiệu lực (từ ngày 1-1-2010), đã có khá nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập trong triển khai. Bệnh viện không kịp thở vì giải đáp thắc mắc của dân, cơ quan quản lý hụt hơi vì thiếu hướng dẫn, nhưng đáng nói nhất vẫn là những thiệt thòi đã thấy rõ với người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo.
Với chính sách “đồng chi trả“ 5-20% chi phí khám chữa bệnh, luật mới hướng đến việc tăng thu và hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, chống bội chi. Nhưng quy định này lại khiến không ít bệnh nhân nghèo méo mặt vì không có tiền khám chữa bệnh. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội: Hiện cả nước có 15 triệu người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chưa kể chừng đó người cận nghèo được hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm. Nhưng với quy định mới, không chỉ người nghèo mà cả nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (người già cô đơn; người dân tộc thiểu số đang sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trẻ em từ 6 tuổi trở lên mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi) cũng phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh.
Nhiều quan điểm cho rằng, việc đồng chi trả như một cú đánh bồi vào khó khăn của người bệnh nghèo. Những người nghèo, người thuộc nhóm bảo trợ xã hội thậm chí không có khả năng mua thẻ bảo hiểm y tế, làm sao có thể "cùng chi trả" phí khám chữa bệnh. Người bệnh nhẹ đã khổ, người bệnh nan y thì chỉ còn nước nằm nhà. Trước đây, đối tượng trẻ dưới 6 tuổi cứ điều trị rồi chi phí bao nhiêu được các địa phương trả, nhưng nay bệnh nhi cũng phải chi trả nên rất khó khăn. Còn với nhóm người già neo đơn, trẻ em bị bỏ rơi, người nghèo, người dân tộc thiểu số, Nhà nước đã phải dành ngân sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho họ, nay họ phải chi trả 5% viện phí khám chữa bệnh chắc chắn là điều không thể, nhất là với người mắc bệnh mãn tính, bệnh có chi phí điều trị lớn, thời gian điều trị kéo dài.
Hiện tại, cũng có những quan điểm cho rằng, địa phương cần có trách nhiệm hoặc dùng Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo (vẫn gọi là Quỹ 139) chi trả cho người nghèo. Song không phải địa phương nào cũng đủ sức lo, còn quỹ này bây giờ hoạt động ra sao thì cũng không nhiều người biết rõ. Trước mắt, để hỗ trợ bệnh nhân, đã có địa phương đề nghị ngân sách hỗ trợ 5-15% viện phí cho người nghèo, người cận nghèo đang phải chạy thận nhân tạo, còn tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh thì bất đắc dĩ phải áp dụng giải pháp trích quỹ từ thiện riêng để hỗ trợ bệnh nhân nghèo, trẻ dưới 6 tuổi. "Nhưng quỹ chỉ có hạn, chúng tôi không kéo dài hỗ trợ được. Mong rằng cần có cơ chế tính toán lại", Giám đốc bệnh viện này kiến nghị như vậy.
Vâng. Có lẽ cũng cần cân nhắc lại. Tại sao chúng ta không tách bạch thẻ bảo hiểm dành cho người nghèo và người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập cao? Dựa trên loại thẻ để có mức "cùng chi trả" khác nhau. Có nghĩa là chúng ta thay đổi quyền lợi bảo hiểm y tế. Thay vì bao trọn cả khám điều trị ngoại trú, nội trú, có thể chỉ chi trả cho bệnh nhân điều trị nội trú, nhưng bảo đảm chi trả 100%, kể cả kỹ thuật cao. Còn điều trị ngoại trú do người dân tự trả. Ngoài ra, có thể chi trả thêm cho cả các trường hợp bệnh mãn tính cần điều trị ngoại trú kéo dài. Như thế sẽ bảo đảm được nguồn quỹ, dễ quản lý, tránh lạm dụng bảo hiểm y tế mà vẫn thực hiện được đúng ý nghĩa của bảo hiểm.
Thông tin mới nhất, được biết Bộ Y tế đang giao cho Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu để tham mưu chỉnh sửa Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ những bất cập nêu trên. Hy vọng rằng, lần sửa đổi này sẽ đáp ứng được tâm tư, quyền lợi của người dân nghèo. Đặc biệt, cần lưu tâm rằng, nếu muốn luật có hiệu quả phải quy định rõ ràng, tránh tình trạng quy chế về bảo hiểm y tế thay đổi quá nhiều như trong thời gian vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.