Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Theo VGPNEWS| 24/01/2013 08:29

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.

Mục tiêu của Đề án này là bảo đảm Đường sắt Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vận tải đường sắt; nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh; làm tốt vai trò nòng cốt để ngành đường sắt Việt Nam phát triển nhanh, bền vững; góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Theo Đề án tái cơ cấu, ngành, nghề kinh doanh chính của Tổng công ty là kinh doanh vận tải đường sắt, vận tải đa phương thức trong nước và liên vận quốc tế; quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt...

Tổng công ty được kinh doanh các ngành, nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp và dân dụng, dịch vụ viễn thông và tin học, kinh doanh xăng, dầu, mỡ bôi trơn của ngành đường sắt.

Vốn điều lệ của Tổng công ty do Bộ Giao thông vận tải quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Theo phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trực thuộc Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015, các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, gồm Văn phòng và các ban chức năng; Trung tâm Điều hành Giao thông vận tải đường sắt; Công ty Sức kéo Đường sắt.

Đường sắt Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ của 23 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Cty TNHH 1 thành viên) và nắm giữ từ trên 50% đến 65% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Toa xe Hải Phòng; Công ty cổ phần Vận tải Hàng hoá đường sắt.

Đồng thời, Đường sắt Việt Nam nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ của 22 Công ty cổ phần gồm: Công ty cổ phần Công trình 6; Đầu tư và Xây dựng công trình 3; Vận tải và thương mại đường sắt; Viễn thông tín hiệu đường sắt; Xây dựng công trình Đà Nẵng; Xây lắp và cơ khí cầu đường; Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội; Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải; Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt; Vật tư Đường sắt Sài Gòn...

Bên cạnh đó, duy trì mô hình, cơ cấu tổ chức hoạt động các đơn vị sự nghiệp: Trường Cao đẳng nghề Đường sắt; Trung tâm Y tế Đường sắt; Trung tâm Ứng phó Sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam; Báo Đường sắt; Ban Quản lý Các dự án Đường sắt (RPMU); Ban Quản lý Dự án Đường sắt khu vực I; Ban Quản lý Dự án Đường sắt khu vực II; Ban Quản lý Dự án Đường sắt khu vực III; Ban Quản lý Dự án Nhà điều hành sản xuất, văn phòng và chung cư 31 Láng Hạ - Hà Nội; Ban Quản lý Dự án Toà nhà đường sắt 136 Hàm Nghi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, thoái toàn bộ vốn của Đường sắt Việt Nam tại 6 Cty cổ phần: Đá Chu Lai; Vật liệu và xây dựng Đường sắt phía Nam; Dịch vụ vận tải Đường sắt; Dịch vụ vận tải đường sắt khu vực I; Sài Gòn Hoả xa; Khách sạn Hải Vân Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.