Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án đào tạo cán bộ nguồn của TP Hà Nội: Thành công và kỳ vọng

Võ Lâm| 28/12/2015 06:23

(HNM) - Một lớp đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, năng động, nhiệt huyết đã và đang được hình thành. Đây là tiền đề để tiếp tục thực hiện đề án trong nhiệm kỳ 2015-2020 với kỳ vọng có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ cho Thủ đô.

Bước tiến mới về đào tạo nguồn

Trước khi có đề án này, công tác đào tạo CBN cũng đã được TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, các lớp đào tạo CBN thường được tổ chức đơn lẻ, thiếu tính đồng bộ, hệ thống. Việc đào tạo tuy xuất phát từ nhu cầu thực tế của các đơn vị nhưng chưa có sự tổng hợp, nghiên cứu một cách toàn diện trong cả hệ thống chính trị thành phố. Công tác đào tạo CBN có thể nói là chưa được thực hiện bài bản, khoa học, chưa có một đề án, chương trình mang tính tổng thể. Các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, các bước từ tuyển chọn đến đánh giá, theo dõi… CBN thiếu đầy đủ, không cụ thể. Một số học viên sau khi tốt nghiệp các lớp CBN không công tác trong những ngành, lĩnh vực được đào tạo… Đề án số 07 ra đời cùng với kết quả thực hiện đến nay đã cơ bản khắc phục được những vấn đề trên.

Cán bộ nguồn cần được đơn vị quản lý giúp đỡ, rèn luyện, thử thách để phát triển. Ảnh: Bảo Lâm


Tất cả các công việc cụ thể về đào tạo CBN đã được xác định rõ trong Đề án 07 như: Việc xác định đối tượng đào tạo với các tiêu chí, tiêu chuẩn cao, nội dung chương trình đào tạo, thời gian và phương thức đào tạo hay quyền lợi và nghĩa vụ của học viên. Học viên chỉ được tuyển chọn khi có nguyện vọng trở thành công chức của thành phố và có cam kết sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo sẽ chấp hành nghiêm túc sự phân công của tổ chức, công tác ít nhất 5 năm tại các cơ quan, đơn vị của thành phố. Trong trường hợp không thực hiện đúng cam kết này, học viên phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo và các kinh phí hỗ trợ khác. Đề án đã chỉ rõ 4 bước của quy trình thực hiện gồm tuyển chọn học viên, tổ chức đào tạo, phân công học viên công tác thực tế và bố trí, sử dụng CBN.

Thực hiện Đề án 07, công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo CBN là một trong những thành công nổi bật trong nhiệm kỳ 2010-2015. Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức thành công 5 lớp CBN xây dựng Đảng, 7 lớp công chức xã, phường, thị trấn. Chất lượng học viên được bảo đảm ngay từ đầu vào với công tác tuyển chọn hai vòng chặt chẽ. Quá trình học tập trung tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong được theo dõi, quản lý khoa học. Kết quả học tập của hầu hết các học viên đều đạt cao. Đơn cử như lớp CBN văn phòng cấp ủy có 95 học viên, kết quả chung toàn khóa có 1 học viên xuất sắc, 69 học viên giỏi, 25 học viên khá. Hiện nay, hầu hết các học viên đã vượt qua kỳ sát hạch công chức và được phân công công tác tại các cơ quan, đơn vị.

Để thực sự nắm thế chủ động về nguồn cán bộ

Sự ra đời của Đề án 07 đánh dấu bước tiến mới về công tác đào tạo CBN của Đảng bộ Hà Nội. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 07 dù đã thành công, nhưng chưa khép lại, mục tiêu chính của đề án vẫn còn ở phía trước.

Mục tiêu có tính chiến lược của Thành ủy thông qua đề án này là 1.000 CBN được đào tạo theo đề án này sẽ phát triển để đảm đương trọng trách lãnh đạo, quản lý trong 5, 10 hoặc 15 năm tới. Các cấp ủy nơi nhận CBN về công tác giống như vai trò các "bà đỡ" có trách nhiệm rất lớn. Theo đề án, giai đoạn 2015-2020 có 4 nhiệm vụ cần làm. Đến nay, với việc cơ bản hoàn thành xét tuyển và quyết định bổ nhiệm ngạch công chức và phân công công tác CBN, chỉ còn hai nhiệm vụ cần tiếp tục được thực hiện. Thứ nhất là thống nhất quy định về cơ chế quản lý, theo dõi, đánh giá quá trình công tác của CBN; cơ chế thông tin, báo cáo kết quả với thành phố. Thứ hai là tiếp tục theo dõi quá trình công tác của cán bộ ở các cơ quan, đơn vị; định kỳ rà soát, đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ có kết quả công tác xuất sắc đưa vào quy hoạch, tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn tiếp theo.

Trong hơn 2 năm thực hiện Đề án 07 vừa qua, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã thể hiện trách nhiệm rất cao từ khâu tuyển chọn cử cán bộ đi học đến tiếp nhận, giúp đỡ, theo dõi giám sát học viên về thực tiễn ở cơ sở. Mặc dù vậy, đúng như chúng ta vẫn nói, việc được phân công công tác mới chỉ là thành quả bước đầu trên con đường học tập, rèn luyện và phấn đấu của mỗi CBN. Trong quá trình tiếp theo, bên cạnh nỗ lực cá nhân, đòi hỏi sự rèn luyện, thử thách cũng như giúp đỡ, tạo điều kiện cho CBN phát triển của đơn vị quản lý, sử dụng. Cán bộ trẻ sẽ chỉ có thể có cơ hội tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý một khi có khả năng và khả năng đó được tin tưởng, trao cho cơ hội. Chưa kể, việc thực hiện Đề án 07 trong nhiệm kỳ mới sẽ là bước đi chiến lược nhằm khắc phục hạn chế về tỷ lệ cán bộ trẻ được bầu vào cấp ủy còn rất thấp trong đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhiều lần nhấn mạnh: "Các cấp ủy phải thường xuyên theo dõi, động viên, giúp đỡ CBN phát triển; coi CBN là "mầm ươm", là nguồn cán bộ cung cấp cho thành phố trong tương lai".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án đào tạo cán bộ nguồn của TP Hà Nội: Thành công và kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.