(HNM) - Mỗi độ Tết đến, Xuân về, cùng với việc chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống để làm phong phú hơn đời sống tinh thần... thì có một hoạt động khá phổ biến ở nhiều khu dân cư, đó là mừng thọ. Với tâm niệm, người có tuổi sẽ mang lại nhiều phúc cho con cháu, nét đẹp văn hóa truyền thống này đã được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đây còn là dịp con cháu tỏ lòng hiếu kính đối với bậc sinh thành.
"Kính già, già để tuổi cho"
Hội Đông y TP khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt
Xuân này, cụ bà Lê Thị Lung ở phường Sài Đồng, quận Long Biên vừa tròn 100 tuổi. Lễ mừng cụ "bách niên chi lão" được tổ chức trang trọng tại tư gia với sự chủ trì của MTTQ, Hội Người cao tuổi phường, chi bộ, tổ dân phố số 21 và con cháu. Bí thư chi bộ tổ dân phố 21 Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có cụ tròn 100 tuổi là niềm vinh dự cho cả tổ dân phố. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị quà tặng, Ban Chi ủy và Ban công tác Mặt trận có mặt trước đó mấy ngày, cùng chung tay với gia đình tổ chức lễ mừng thọ cụ sao cho trang trọng. Đội văn nghệ của khu dân cư cũng được huy động phục vụ buổi lễ này, lãnh đạo UBND, MTTQ, các ngành, đoàn thể phường đều có quà tặng cụ; con cháu kính tặng cụ tấm áo lụa, khăn xếp đỏ, những lời chúc mừng. Đặc biệt, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng tới dự buổi lễ chúc thọ cụ Lung. Tất cả mang lại những tình cảm ấm áp, động viên cụ sống những năm tháng cuối đời ý nghĩa. Cụ Lê Thị Lung là một trong 15 cụ của quận Long Biên dịp này tròn 100 tuổi. Với truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn", "Kính già, già để tuổi cho", quận Long Biên đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các cụ.
Khi khí xuân tràn về, cỏ cây đâm chồi nảy lộc cũng là thời điểm, Hội Người cao tuổi phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy tổ chức lễ mừng thọ cho 122 cụ từ 70 tuổi trở lên (trong đó có 2 cụ thọ trên 100 tuổi). Buổi lễ được tổ chức trang trọng, ấm cúng, có tiệc trà cùng những lời chúc mừng của lãnh đạo đảng, chính quyền.
Chăm lo người cao tuổi
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có trên 65 vạn người cao tuổi, chiếm 10,3% dân số. Trong đó, có 157 cụ tròn 100 tuổi, 318 cụ hơn 100 tuổi. Tiềm năng của người cao tuổi trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đời sống nhân dân còn khó khăn thì vẫn còn tới 6,41% người cao tuổi còn nghèo và hơn 26% người cao tuổi bị tàn tật, sức khỏe yếu. Giúp cho hộ nghèo nói chung, người cao tuổi nghèo nói riêng bớt cực khổ, được quan tâm, chăm sóc chu đáo… là điều mà Đảng, chính quyền thành phố đã nỗ lực thực hiện. Với vai trò cơ quan tham mưu, Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố đã phối hợp với ngành chức năng khảo sát việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Qua đó, thống kê đầy đủ để 37.589 cụ tuổi từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội được hưởng mức trợ cấp 250.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Ban còn phối hợp với các ngành hoàn tất thủ tục thực hiện trợ cấp hàng tháng (theo quy định của Nhà nước) cho 14.199 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa; cấp thẻ BHYT cho 38.187 cụ. Thành phố còn tạo điều kiện thuận lợi cho 7 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện tốt việc chăm sóc nuôi dưỡng hơn 400 bố, mẹ liệt sỹ, người cao tuổi cô đơn.
Không chỉ quan tâm thực hiện tốt chế độ chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố còn phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe, như: tư vấn và khám mắt cho 8.000 cụ ở 234 xã, phường, thị trấn; khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 90.000 cụ; tổ chức điều tra xã hội học về nhu cầu chăm sóc, điều dưỡng NCT… trên cơ sở đó triển khai tốt hơn cuộc vận động "Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi". Thật ấm áp biết bao nhiêu khi Tết Canh Dần này, hơn 200 người cao tuổi nghèo được đón Tết trong ngôi nhà khang trang (bình quân 30 triệu đồng/ngôi nhà) được xây dựng lên bằng tình cảm, trách nhiệm của đảng, chính quyền các cấp và tấm lòng của người thân. Và cũng thật vui biết bao khi ngày càng có nhiều tấm lòng, có nhiều nguồn lực của xã hội cùng góp sức để thực hiện chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Đến nay, tổng số dư của quỹ hội ở các cơ sở lên tới 63,4 tỷ đồng; quỹ chăm sóc người cao tuổi cũng huy động được hơn 10,5 tỷ đồng chưa kể số Quỹ Phụng dưỡng ông bà cha mẹ hơn 106,6 tỷ đồng được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn người cao tuổi… Với truyền thống "kính lão, đắc thọ", Đảng, chính quyền TP Hà Nội và cả xã hội đang làm hết sức mình để chăm lo, giúp cho người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn, ý nghĩa hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.