Những vụ án oan xảy ra trong thời gian gần đây là rất nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân do bị bức cung, nhục hình ở nơi tạm giữ, tạm giam.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bên vòng tay người thân, bạn bè được tại ngoại sau 10 năm ngồi tù oan sai. Ảnh: Anh Tuấn |
Thảo luận về Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự trong Phiên họp của Ủy ban Tư pháp sáng 2/4, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tách nhà tạm giữ khỏi công an huyện, trại tạm giam khỏi công an tỉnh.
"Những vụ án oan xảy ra trong thời gian gần đây là rất nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân do bị bức cung, nhục hình ở nơi tạm giữ, tạm giam. Thế nhưng trong nhiều vụ chẳng thấy trách nhiệm của các cán bộ quản lý tạm giữ, tạm giam đâu cả?
Dự thảo luật trình ra lần này cũng không thấy quy định về vấn đề trên”, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phản ánh. Ông Thường đề nghị bổ sung vào trong Dự thảo luật quy định về trách nhiệm, cũng như hình thức xử lý đối với các cán bộ quản lý công tác tạm giữ, tạm giam để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình.
|
Tại Báo cáo Thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, vấn đề bức cung, dùng nhục hình chủ yếu xảy ra ở giai đoạn điều tra đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Do đó để đảm bảo chống bức cung, dùng nhục hình cần phải qui định trong luật các hình thức giám sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam, cũng như việc trích xuất bị can, bị cáo để lấy lời khai...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tách nhà tạm giữ khỏi công an huyện, trại tạm giam khỏi công an tỉnh. “Chừng nào còn để trại tạm giam thuộc công an tỉnh, tương đương với phòng điều tra; chừng nào cấp huyện còn để nhà tạm giữ nằm trong công an huyện, chừng đó còn khó tránh được những vi phạm trong hoạt động giam giữ”, bà Nga nói.
Thừa nhận những ý kiến phản ánh của đại biểu Thường là xác đáng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết sẽ xem xét bổ sung vào trong Dự thảo luật quy định trách nhiệm, cũng như biện pháp xử lý nếu để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình ở nơi tạm giữ, tạm giam. Đối với ý kiến của bà Nga nêu ra, ông Vương cho rằng, các thủ trưởng đơn vị tạm giữ, tạm giam ở tỉnh, huyện cũng độc lập, hoàn toàn tách bạch và có sự kiểm soát lẫn nhau.
Công an xã điều tra dễ dẫn đến oan sai
Về quy định giao cho Công an xã được thực hiện một số hoạt động điều tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng không phù hợp, vì đây là lực lượng bán chuyên trách, nghiệp vụ hạn chế, nếu cho điều tra sẽ không đảm bảo cho việc thu thập chứng cứ ban đầu, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, bảo vệ vật chứng, bảo vệ hiện trường.
“Qua theo dõi tôi nhận thấy Công an xã khó đáp ứng được yêu cầu điều tra ban đầu. Thực tế chúng ta từng thấy, có những vụ công an xã “dùng dép” mà đánh gãy 4 xương sườn của người bị nghi phạm tội. Sau đó còn “ép” người đó và gia đình phải nhận là tự ngã gãy xương, chứ không phải bị đánh. Do đó, nếu giao cho lực lượng này điều tra thì “đầu vào” của họ phải là lực lượng chuyên trách mới có thể đảm bảo được quyền con người, quyền công dân”, bà Nga nói.
Ông Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cũng cho hay, tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp nhiều ý kiến cũng đề nghị không nên giao cho lực lượng công an xã điều tra, mà nên để cơ quan điều tra chuyên nghiệp tiến hành. Có như thế mới đảm bảo khách quan, đúng trình tự, thủ tục tố tụng, tránh bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai.
Trái với các ý kiến trên, ông Phạm Xuân Thường lại cho rằng, nếu không giao cho Công an xã điều tra thì sợ không phù hợp, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đợi công an huyện đến có khi phải mất cả ngày trời.
“Tôi thấy công an xã cũng làm rất tốt đấy chứ. Chúng ta đừng vì một số vụ việc không tốt để rồi không giao cho họ làm. Vấn đề chính là giao đến đâu, như thế nào để đảm bảo chứng cứ ban đầu chuẩn xác, khách quan, trung thực”, ông Thường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.