(HNM) - Đâu là vị trí xứng đáng của môn lịch sử? Có nhất định phải thi tốt nghiệp THPT bằng môn này hay không? Sách giáo khoa môn lịch sử sẽ được thay đổi theo hướng nào?
Nhất định phải thi
Các chuyên gia lịch sử nhìn chung đều nhìn nhận trong vài thập niên gần đây môn lịch sử đã dần thành một môn học khô khan, "bị đối xử bất công" vì bị coi là môn phụ, không được ưu ái bằng văn, toán. Từ khi môn ngoại ngữ trở thành môn thi tốt nghiệp, nơi nào học sinh không thi ngoại ngữ thì môn lịch sử mới được lựa chọn.
Việc tổ chức thi bắt buộc đối với môn lịch sử được nhiều chuyên gia cho là cần thiết. Ảnh: Anh Tuấn |
GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) trăn trở: Từ bao giờ, những trang sách giáo khoa cũng như giờ giảng của không ít giáo viên trở nên buồn chán, cứng nhắc đến như vậy? Quan niệm khá phổ biến là học sử chỉ cần học thuộc đã biến bao học sinh thành những “con vẹt”, mà những “con vẹt” này cũng không nhắc lại đúng những điều cần thiết. Chỉ cần chấm một kỳ thi tuyển sinh ĐH khối C là đủ thấy chất lượng giảng dạy và học tập môn học này như thế nào. Bên cạnh một số bài viết chững chạc, thể hiện kiến thức và có lập luận chặt chẽ thì số đông là những bài kém, rất kém. Sự lẫn lộn về nhân vật lịch sử, về địa điểm, về nội dung các sự kiện quan trọng là hiện tượng khá phổ biến, có khi sai lầm ở mức không thể chấp nhận được.
Đánh giá thực trạng nói trên, theo GS Vũ Dương Ninh, nguyên nhân liên quan tới chất lượng chương trình giảng dạy, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên. Ông cho rằng, có lẽ chúng ta đã quá tham khi muốn nhồi nhét nhiều kiến thức lịch sử - cả thế giới lẫn Việt Nam - vào đầu óc con trẻ, kết quả là kiến thức không đọng lại bao nhiêu sau khi học sinh tốt nghiệp THPT.
Để khắc phục hạn chế, theo các chuyên gia, chúng ta cần phải xác định đúng vai trò của môn lịch sử trong chương trình giáo dục. Theo đó, lịch sử cần được coi là môn học cơ bản, bắt buộc trong 4 môn cốt lõi là quốc văn, quốc sử, toán học và ngoại ngữ. Việc tổ chức thi môn lịch sử như thế nào đóng vai trò quan trọng trong xác định vị trí của môn học. Hàng chục năm qua, môn lịch sử đã chịu hậu quả của chủ trương tổ chức thi luân phiên giữa sử và địa, hoặc lịch sử chỉ được coi là môn thay thế cho ngoại ngữ. Đến nay, lịch sử được xác định là môn tự chọn - điều khiến cho vị trí môn học càng suy giảm.
Thực tế cho thấy, nếu đã coi lịch sử là môn nền tảng thì nhất thiết phải tổ chức thi môn này. Tuy nhiên, theo GS Vũ Dương Ninh, việc tổ chức thi cần được cải tiến, không nên để học sinh thi trong thời gian 180 phút với đề thi dài dòng, tản mạn. Đề thi cần gọn hơn, tương ứng với thời lượng 90 phút; nên kết hợp tổ chức thi cùng một buổi 180 phút cho hai môn sử và địa. Học sinh cần có kiến thức chung về lịch sử, vì vậy, chương trình ôn thi chỉ nên xác định 4-6 số vấn đề có tính tổng hợp phù hợp với chương trình toàn cấp, ở mức độ hợp lý, không nặng nề, có tính gợi mở.
Thà ít mà tốt
Trong tiến trình đẩy mạnh cải cách giáo dục, việc soạn thảo chương trình lịch sử đã được bắt đầu với bộ sách giáo khoa mới, dự kiến ra mắt vào năm 2018. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã tham gia nghiên cứu về chương trình và sách giáo khoa lịch sử đã nêu mục tiêu, định hướng, mô hình dự kiến của sách giáo khoa mới. Theo đó, lịch sử sẽ là môn học cơ bản, độc lập, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình sẽ được xây dựng theo hướng tích hợp sâu ở bậc tiểu học, mở rộng tích hợp nội môn và sử dụng kiến thức liên môn ở THCS và THPT, giảm tối đa sự trùng lặp không cần thiết ở các cấp học. Theo dự kiến, nội dung kiến thức sách giáo khoa lịch sử sẽ được sắp xếp theo mạch: Lịch sử thế giới, lịch sử khu vực, lịch sử Việt Nam; trong đó, nội dung lịch sử dân tộc là chủ yếu.
Ở cấp tiểu học, thay vì hình thức học thông sử hiện hành, chương trình sẽ chuyển sang biên soạn các câu chuyện nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu; chủ đề của những câu chuyện này bám sát sự kiện lịch sử chính thống. Ở cấp THCS, môn lịch sử sẽ học theo thông sử từ cổ đại đến hiện đại nhằm giúp học sinh nắm được hệ thống kiến thức cơ bản nhất của lịch sử thế giới và dân tộc. Học sinh THPT được yêu cầu hiểu sâu hơn về khoa học lịch sử nên sẽ học theo các chuyên đề, chủ đề dựa trên tiến trình lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, theo các mạch chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa…
Có thể thấy, điểm hạn chế lớn nhất của chương trình và sách giáo khoa lịch sử là quá nặng nề về kiến thức, khô khan về diễn đạt, nhàm chán trong cách trình bày nên không có sức thu hút học sinh dù xét về bản chất, lịch sử là môn học có sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Để thay đổi điều đó, theo các chuyên gia giáo dục và lịch sử, chúng ta cần thực hiện phương châm “thà ít mà tốt”, tức là làm sao đó để học sinh có thể học không nhiều nhưng vẫn hiểu được, nhớ được và ham thích lịch sử, như thế thì hiệu quả học tập sẽ tốt hơn so với hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.