Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy thêm, học thêm và thu chi đầu năm học: Bức xúc đã giảm

T.Hoa| 08/10/2013 16:44

(HNMO)- Dự kiến thu tiền vệ sinh lớp, photo tài liệu, học tăng cường lớp chất lượng cao… ngoài quy định; thu tiền tự nguyện mua điều hòa, máy phát điện, làm nhà kho, sửa sân trường chưa đúng quy trình… là hàng loạt những tồn tại được thanh tra giáo dục phát hiện vào đầu năm học.

Chiều 8-10, cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội tập trung vào vấn đề đang khiến dư luận quan tâm hiện nay là thu chi và quản lý dạy thêm, học thêm đầu năm.

Ông Hoàng Cơ Chính, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT thông báo kết quả thanh tra đầu năm


Phát hiện hàng loạt dự kiến thu chi sai quy định

Ông Hoàng Cơ Chính, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đầu năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đã thành lập 20 đoàn thanh kiểm tra các khoản thu chi và quản lý dạy thêm học thêm tại các cơ sở giáo dục thuộc 29 quận, huyện thị xã trên địa bàn TP. Trong thời gian từ ngày 12 đến hết ngày 25-9, các đoàn đã tiến hành thanh kiểm tra được tại 121 trường.

Kết quả phát hiện một số tồn tại: Một số cơ sở giáo dục triển khai việc cấp phép dạy thêm học thêm chưa kịp thời; kế hoạch của một số đơn vị chưa đúng quy định như xếp lớp không phân loại học sinh (HS) (THCS Trần Đăng Ninh), chưa kiểm tra đầy đủ và lưu giữ bài soạn của giáo viên dạy thêm, chưa có chương trình dạy thêm cho từng môn (THCS Thanh Mai – Hà Đông), tăng tiết dạy thêm học thêm chưa được giải thích cho người học và người dạy (THPT Trung Giã, Sóc sơn), thu vượt quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ%...

Ngoài ra, dự toán, kế hoạch thu, chi cho các hoạt động dạy thêm học thêm chưa rõ tại trường THCS Phụng Thượng, Phúc Thọ; Một số UBND quận, huyện chưa ban hành văn bản thực hiện quyết định về dạy thêm học thêm của UBND TP, chưa triển khai công tác kiểm tra (Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng, quận Tây Hồ…)

Về thu chi đầu năm học, các Phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã và các cụm trường trực thuộc đã triển khai các văn bản hướng dẫn thu, chi; dạy thêm, học thêm tới lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Các đơn vị đã triển khai tới đại diện cha mẹ HS của trường, thông qua dự kiến các khoản thu. Tuy nhiên, tới thời điểm kiểm tra, phần lớn các đơn vị chưa thông qua tới từng cha mẹ HS các lớp nên vẫn là dự kiến chưa thực hiện thu.

Đoàn thanh tra phát hiện một số tồn tại như một số trường vẫn dự kiến thu các khoản khác ngoài văn bản quy định của Sở GD-ĐT như hỗ trợ dạy và học cho giáo dục tại trường THCS Bình Minh và THCS Thanh Mai (Thanh Oai); vệ sinh lớp, photo tài liệu, học tăng cường lớp chất lượng cao (khối 6) tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh); Photo đề kiểm tra, ôn tập thi khảo sát khối 10, mua vở HS tại TTGDTX Sơn Tây.

Các trường hợp phát hiện dự kiến thu chi sai phạm chủ yếu ở các huyện ngoại thành. Ảnh minh hoạ


Một số trường dự kiến thu tiền tự nguyện chưa đúng quy trình, chưa báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt, còn dự kiến thu theo hình thức cào bằng như mua điều hòa ở trường mầm non Dương Xá (Gia Lâm); mua máy phát điện ở trường tiểu học Kim Sơn (Gia Lâm); mua dù, làm nhà kho tại trường tiểu học Bích Hòa (Thanh Oai); sửa sân trường tại trường THCS thị trấn Liên Quan (Thạch Thất).

Ngoài ra, Quỹ Ban đại diện cha mẹ HS một số trường thu chưa đúng quy định, thu với mức cào bằng, thực hiện thu khi chưa dự toán chi làm cơ sở tính mức thu, vẫn dùng quỹ đóng góp của cha mẹ HS cho ban đại diện cha mẹ HS để khen thường giáo viên, nhân viên nhà trường, bồi dưỡng lễ, tết cho cán bộ giáo viên như Tiểu học thị trấn Xuân Mai A (Chương Mỹ), tiểu học Đức Giang, tiểu học Bích Hòa và THCS Bình Minh (Thanh Oai)

Thanh tra quyết liệt, bức xúc của phụ huynh đã giảm

Trả lời các câu hỏi liên quan đến thu chi đầu năm học, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng kế hoạch tài chính sở GD-ĐT cho biết, những tồn tại phát hiện trong đợt thanh tra vừa qua chỉ là các trường mới dự kiến thu nên chưa có con số về tổng số tiền vi phạm. Thời gian tiếp theo, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra tổng hợp vấn đề thu chi đầu năm. Đơn vị nào thu sai phải trả lại cho cha mẹ HS và bị xử lý kiên quyết.

Khoản thu Quỹ Ban đại diện cha mẹ HS là vấn đề nhận được hàng loạt câu hỏi. Ông Cẩn giải đáp, theo quy định của Bộ, kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS được thu trên tinh thần đóng góp tự nguyện và các khoản tài trợ hợp pháp khác. Do đó, không thể cào bằng trong đóng góp và đưa ra mức trần trong đóng góp. Việc sử dụng bảo đảm công khai, đúng mục đích, đạt được sự đồng thuận, tự nguyện của cha mẹ HS và tuyệt đối không sử dụng cho việc nâng cao đời sống của cán bộ giáo viên.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó GĐ Sở GD-ĐT


Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó GĐ Sở GD-ĐT đã nêu thêm thông tin: 20 đoàn kiểm tra đã làm việc với thái độ kiên quyết. Dù những sai phạm thu chi đầu năm được phát hiện mới chỉ là dự kiến nhưng Sở đã yêu cầu dừng ngay lại. “Năm học này có nét mới là các đơn vị giáo dục tổ chức ký cam kết không thu sai quy định. Giáo viên ký cam kết không dạy thêm trái quy định…”. Những việc làm này đã có ý nghĩa lớn, ngăn chặn được nhiều trường dự kiến thu không đúng quy định.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ Sở GD-ĐT cũng khẳng định những số liệu được công bố này mới chỉ là ban đầu. Và cũng không phải chỉ có 20 đoàn kiểm tra này mà việc kiểm tra được tiến hành theo chuyên đề, theo từng đơn vị chuyên môn vẫn tiếp tục diễn ra.

Nhờ việc thanh, kiểm tra quyết liệt ngay từ đầu năm học nên các đơn thư phản ánh, thể hiện bức xúc của phụ huynh học sinh mà Sở nhận được vào dịp đầu năm học này không còn nhiều như những năm học trước.

Giáo viên chỉ được dạy thêm ở những đơn vị có phép

Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học một lần nữa khẳng định quy định đối với HS tiểu học học 2 buổi trên ngày không phải học thêm.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học


Với các cấp học còn lại, ông Lê Ngọc Quang, PGĐ Sở GD-ĐT cho việc việc cấp phép dạy thêm học thêm có 2 hình thức trong nhà trường và ngoài nhà trường nhằm quản lý tốt hơn với nhiều yêu cầu được đưa ra như phải có kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu, khuôn viên bảo đảm quy định… Việc cấp phép được phân cấp rõ ràng và Hà Nội đã đưa ra mức trần đóng góp thống nhất trên toàn TP

“Nhà trường không được phép liên kết với các trung tâm bên ngoài để tổ chức dạy thêm. Các giáo viên không bị cấm dạy thêm nhưng phải được hiệu trưởng xác nhận và dạy thêm ở những đơn vị có phép” – ông Quang khẳng định.

Tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Hồng Nga, PGĐ Sở GD-ĐT cũng đã tiếp thu và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các Phòng GD-ĐT kiểm tra, xử lý nghiêm túc trước một số vấn đề cụ thể mà các phóng viên nêu như HS phải học thêm cả 5 buổi/tuần; một số trường lợi dụng việc mua máy chiếu để thu tiền; chất lượng máy chiếu thấp, ảnh hưởng đến thị giác của HS…

Tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Hồng Nga cũng đã trả lời về vụ việc sập vữa trần xảy ra vào chiều 7-10 tại trường mầm non xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội khiến 6 cháu nhỏ bị thương. 

Hiện trường xảy ra sự việc


Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, lãnh đạo Sở đã có những chỉ đạo quyết liệt để nắm bắt, xử lý kịp thời. Rất may là 6 cháu nhỏ này chỉ bị xây xước. Trường hợp nặng nhất là cháu bỏ bị khâu 3 mũi ở chân. Trong tối qua tất cả 6 cháu đều đã trở về với gia đình. 

Bà Nga cho biết: “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về trường. Vào đầu năm học, đáng lẽ trường phải kiểm tra lại toàn bộ cơ sở vật chất, nếu phát hiện có vết rạn nứt phải báo cáo cơ quan cấp trên và xử lý ngay thì đã không gây ra hậu quả. 

Công trình này mới đưa vào sử dụng có 2 năm. Hiện lực lượng CA, thanh tra xây dựng vào cuộc xem xét chất lượng công trình. Mặc dù đã phân cấp quản lý nhưng ngành cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm về mặt quản lý cơ sở vật chất đầu năm học”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy thêm, học thêm và thu chi đầu năm học: Bức xúc đã giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.