(HNM) - Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ ngày 8-3. Sau gần 1 tháng triển khai, sức khỏe của những người được tiêm đều ổn định và các phản ứng sau tiêm đều trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở nhiều địa phương còn chậm. Trước diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp, Bộ Y tế đang nỗ lực tìm nguồn cung vắc xin, đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm "tiêm đến đâu, an toàn đến đó".
Không ngại phản ứng phụ sau tiêm…
Tính từ ngày 8-3 đến 29-3, Việt Nam đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca đợt 1 cho hơn 45.000 người tại 19 tỉnh, thành phố. Phó Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin phòng Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm. Tuy nhiên, các phản ứng sau tiêm gặp phải đều được các địa phương xử lý kịp thời. Nhờ đó, phản ứng ở các trường hợp sau tiêm chỉ dừng lại ở mức độ xuất hiện, chưa tăng cấp độ nặng lên.
Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 28-3 đã tiêm cho 7.419 người, trong đó có 2.557 trường hợp có phản ứng sau tiêm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 và đang tiêm nốt cho một số đối tượng còn lại. Một số người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng gặp phải các phản ứng thông thường, chiếm hơn 33%; còn các phản ứng nặng chỉ chiếm 0,17%. Tất cả trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được phát hiện và xử lý kịp thời đúng quy định và hiện sức khỏe đều ổn định.
Trực tiếp kiểm tra công tác tiêm chủng tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh từ ngày 24-3 đến 27-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, trong khi tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội đạt tỷ lệ cao, thì nhiều tỉnh, thành phố khác, tốc độ tiêm chủng còn chậm. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 3-2021 sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 với 117.600 liều, nhưng đến sáng 28-3 mới có gần 45.000 người được tiêm, chiếm gần 40%. “Vắc xin Covid-19 có thời hạn sử dụng nhất định, nên các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Khi tiêm phải khám sàng lọc kỹ, không vì số lượng mà tiêm cho cả những trường hợp không đạt yêu cầu”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Trước tình hình dịch trên thế giới và các nước trong khu vực còn diễn biến phức tạp, nước ta có nguy cơ cao xuất hiện đợt dịch thứ 4, các địa phương phải triển khai quyết liệt những biện pháp phòng dịch, trong đó có việc tiêm vắc xin.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, không vì lý do lo ngại phản ứng sau tiêm mà làm chậm công tác tiêm chủng. Để bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm xử lý phản ứng cao hơn một mức. Do đó, một số trường hợp sau tiêm chưa đến mức phản vệ độ 2, nhưng đã được xử lý ngay ở mức độ như vậy. Thực tế, những phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại nước ta thời gian qua đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Giám sát an toàn ở mức cao nhất
Theo Bộ Y tế, hiện có hơn 250 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được các nước nghiên cứu, phát triển, song mới có 13 loại được cấp phép với tổng số 486 triệu liều trên toàn cầu. Cuộc chạy đua vắc xin phòng Covid-19 và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đang hiện hữu.
Để tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đủ điều kiện tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vắc xin phòng Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 26-2-2021, về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Hiện tại, có Tập đoàn AMV, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex đang tiếp cận với các đối tác từ Mỹ và Ấn Độ để có nguồn cung vắc xin phòng Covid-19. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các hãng dược quốc tế (AstraZeneca, Pfizer, Johnson & Johnson, JSC Generium (Sputnik V), Moderna, Sinovac...) bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả và đúng nguồn gốc, xuất xứ.
Trong 3 tuần tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận khoảng 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 của chương trình Covax Facility. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, vắc xin phòng Covid-19 được đưa vào tiêm chủng đều phải được kiểm nghiệm, bảo đảm an toàn, dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Việt Nam đang giám sát an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất. Trong thời gian tới, hoạt động tiêm chủng sẽ được tiếp tục tiến hành theo chỉ đạo “tiêm đến đâu, an toàn đến đó” của Bộ Y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.