(HNM) - Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, cử tri thành phố Hà Nội đã kiến nghị 2.700 nội dung tại các kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố. Bên cạnh việc tiếp nhận giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri được thành phố quan tâm, kịp thời giải quyết thì vẫn còn nhiều nội dung giải quyết chậm, kéo dài, cần phải đẩy nhanh hơn nữa.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Tính đến ngày 18-3-2020, cử tri thành phố Hà Nội đã kiến nghị 2.700 nội dung liên quan đến các lĩnh vực: Công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy tại các nhà chung cư cao tầng, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, y tế, giáo dục, cải cách hành chính…
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành liên quan kiểm tra, giải quyết, trả lời cử tri, báo cáo kết quả thực hiện với UBND thành phố. Cùng với đó, UBND thành phố đã tập trung giải quyết, khắc phục những bất cập trong quản lý điều hành, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách và kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Vì thế, tất cả các nội dung kiến nghị của cử tri đều được UBND thành phố kiểm tra, giải quyết, trả lời tại kỳ họp và thông báo tại các buổi tiếp xúc cử tri. Đến nay, đã có 90% trong tổng số 2.700 nội dung kiến nghị giải quyết xong; 336 nội dung đang giải quyết.
Trong đó, có nhiều nội dung cử tri kiến nghị được thành phố ban hành chính sách cụ thể để giải quyết đã đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đơn cử như kiến nghị về việc sử dụng đất nông nghiệp sau khi thu hồi giải phóng mặt bằng thực hiện công trình điện nhưng phần diện tích còn lại không đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trên cơ sở áp dụng Khoản 3, Điều 11, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29-9-2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiến nghị trên đã được UBND thành phố giải quyết thỏa đáng.
Cụ thể là trên cơ sở cho phép UBND các quận, huyện, thị xã thu hồi phần diện tích đất nông nghiệp nhỏ hơn hoặc bằng 50m2 còn lại sau khi thu hồi đất theo chỉ giới xây dựng một số công trình điện trên địa bàn thành phố bảo đảm nguyên tắc: Diện tích đất nông nghiệp chéo, méo không đủ điều kiện canh tác, sản xuất nông nghiệp và người dân có đơn đề nghị Nhà nước thu hồi nốt. Sau khi thu hồi, UBND thành phố giao lại cho UBND cấp huyện quản lý, sử dụng.
Bà Trần Thị Mơ (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) bày tỏ đồng tình cao với chủ trương của thành phố về việc thực hiện thu hồi diện tích đất xen kẹt, bảo đảm người nông dân không bị thiệt thòi. Bởi đối với những diện tích đất nhỏ, không thể sản xuất, có thể thực hiện làm hành lang công trình của dự án.
Ngoài ra, nội dung kiến nghị thực hiện chính sách miễn phí xe buýt công cộng cho người từ 60 tuổi trở lên đến nay cũng đã được thành phố triển khai áp dụng. Ông Nguyễn Hồng Bằng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) chia sẻ: "Từ khi thành phố miễn phí vé xe buýt cho người cao tuổi đã giúp chúng tôi có thể tham quan các điểm di tích lịch sử, đi khám bệnh trong thành phố được thuận lợi hơn".
Sẽ có giải trình chuyên đề
Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác giải quyết các kiến nghị của cử tri thì vẫn còn 10% nội dung kiến nghị đang trong quá trình thực hiện, chưa giải quyết xong. Trong đó, nổi bật là công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng; việc hình thành, phát triển một số khu công nghiệp tại Phú Xuyên, Thanh Oai; công tác quản lý đất đai, xử lý trật tự xây dựng, giải quyết tồn tại quản lý đất rừng; thực hiện dự án ngoài đê sông Hồng, các dự án bảo vệ môi trường… còn chậm được xử lý.
Theo Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương, một số văn bản trả lời kiến nghị của cử tri chưa đi thẳng vào nội dung vấn đề, chưa quy rõ trách nhiệm và thời hạn giải quyết. Ngoài ra, có một số kiến nghị thuộc phạm vi, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời dẫn đến việc giải quyết kéo dài và cử tri tiếp tục kiến nghị. Đơn cử như kiến nghị về việc thành phố xem xét, nghiên cứu cách thức thu gom rác và thu phí thu gom rác phù hợp; việc thúc đẩy các dự án cung cấp nước sạch cho người dân các huyện đang chậm trễ…
Trong tháng 4-2020, báo cáo với HĐND thành phố về công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, UBND thành phố nhận định, nguyên nhân của việc chậm trễ do khâu giải quyết tồn tại cần có thời gian; trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo đã phát sinh những khó khăn, bất cập cần các cơ quan nhà nước xem xét, tháo gỡ. Cùng với đó, khối lượng công việc lớn, trong khi các ngành chức năng chưa làm tốt việc tổng hợp, chưa nghiêm túc xem xét những vấn đề cử tri kiến nghị, nên có nội dung còn bỏ sót.
Theo ông Duy Hoàng Dương, để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới, các cấp, ngành thành phố cần tập trung đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ bảo đảm giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri; đồng thời tăng cường các đoàn công tác về cơ sở để xử lý những vấn đề “nóng”, vấn đề tồn đọng phức tạp kéo dài.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, để thúc đẩy nhanh việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, dự kiến trong quý II-2020, Thường trực HĐND thành phố sẽ thực hiện phiên giải trình về nội dung trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.