(HNM) - Phát huy vị thế của Thủ đô, thời gian qua thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung. Với tinh thần “Hà Nội với cả nước” và “cả nước với Hà Nội”, thời gian tới thành phố tiếp tục duy trì vai trò “đầu tàu” đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các tỉnh, thành phố quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường Thủ đô.
Thành công đáng ghi nhận
Tại sự kiện “Giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên” được Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức đầu tháng 11-2010 tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), đã có hơn 150 gian hàng với hàng nghìn dòng sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đã được trưng bày, giới thiệu tới người tiêu dùng.
Ông Ngô Văn Lý, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) mang tới hội chợ các sản phẩm đông trùng hạ thảo do gia đình sản xuất cho biết: "Hiện cơ sở đã hoàn thiện các thủ tục dự thi và chờ thành phố đánh giá, công nhận các sản phẩm OCOP năm 2020. Hội chợ là cơ hội cho gia đình quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô".
Tham gia hội chợ, ông Đoàn Quốc Hoài, chủ doanh nghiệp tư nhân Hoài Luân (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) giới thiệu về loại cam từng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh năm 2019 thông tin: "Chưa đầy 3 ngày hội chợ, chúng tôi đã bán hết 1 tấn cam".
Thường xuyên tới tham quan, mua sắm tại các hội chợ OCOP tổ chức tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, bà Nguyễn Thị Liên, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết: "Hội chợ tập trung nhiều sản phẩm có chất lượng tốt và các loại đặc sản vùng miền không dễ mua được ở chợ dân sinh. Do vậy, tôi mua từ giò chả, miến măng đến các loại hàng tiêu dùng khác...".
Để người tiêu dùng và người sản xuất đến gần nhau hơn, năm 2020, Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, đặc sản gắn với văn hóa vùng miền. Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết: "Mỗi sự kiện đều thu hút hàng vạn lượt khách tham quan mua sắm và đã đạt được những thành công đáng ghi nhận. Qua đó, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội và cả nước...".
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Từ năm 2019 đến hết tháng 11-2020, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 645 sản phẩm OCOP. Trong chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, khâu tiêu thụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần khẳng định hiệu quả của chương trình.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, với hơn 8 triệu dân và hằng năm đón hơn 30 triệu khách du lịch đến tham quan, Hà Nội được đánh giá là thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm OCOP. Hơn nữa, là Thủ đô của cả nước, Hà Nội có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh, thành phố. Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ, hội thảo, Hà Nội đã khai trương, vận hành nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với làng nghề tại các địa phương. Đây là việc làm thiết thực của thành phố giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.
Từ điểm nhìn khác, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Thị Hậu cho biết, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức, các thành viên của hiệp hội có thêm cơ hội tìm hiểu, giao lưu với các chủ thể OCOP để thu mua sản phẩm đưa vào kênh phân phối của mình. “Mới đây, tại sự kiện kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, chúng tôi đã ký được hàng chục biên bản hợp tác, ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm OCOP với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Hậu nói.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh: "Để tạo chuyển động mạnh mẽ hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP, năm 2021 và các năm tiếp theo, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và cả nước vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng, điểm bán sản phẩm OCOP. Đồng thời sẽ triển khai thực hiện Đề án xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội".
Về hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương nhận định: "Hà Nội triển khai Chương trình OCOP muộn hơn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng thời điểm hiện tại đã dẫn đầu cả nước về số sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Đặc biệt, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, Hà Nội đã thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên thị trường Thủ đô".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.