Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi

Lam Giang| 28/02/2023 18:33

(HNMO) - Đây là nội dung được bàn thảo tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2-2023” với chủ đề cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay, 28-2 .

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, qua 6 lần tổ chức các hội nghị giao ban thương vụ, Ban tổ chức đã ghi nhận những phản hồi tích cực cùng sự quan tâm của đông đảo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam tới thị trường cụ thể tại châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi.

Ông Vũ Bá Phú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: L.Giang

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đóng góp hơn 10 tỷ USD. Tuy nhiên, các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần lớn vẫn được xuất khẩu ở dạng sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch, chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á ...

Khuyến nghị tại hội nghị, đại diện thương vụ Việt Nam tại các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi có chung quan điểm, các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm liên quan tới các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây là thách thức, nhưng cũng nên được nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho hay, muốn gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, ngoài bảo đảm yêu cầu hàng đầu là chất lượng thì bao bì phải thân thiện môi trường, xuất xứ sản phẩm phải được ghi nổi bật để người tiêu dùng dễ tiếp cận. Để tăng sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ lớn ở Australia, doanh nghiệp có thể đăng ký gian hàng trực tuyến hoặc gửi sản phẩm tới thương vụ Việt Nam tại Australia để được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời phối hợp thực hiện các ấn phẩm điện tử để giới thiệu sản phẩm...  

Trong khi đó, ông Bùi Trung Thướng, tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ gợi ý, doanh nghiệp có nhiều dư địa xuất khẩu gia vị như quế, hồi, hạt điều, các sản phẩm bánh kẹo... tới nước này vì đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn. Đối với thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng theo hướng đa kênh do hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng Thái Lan đã thay đổi...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Đồng thời, các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần tận dụng các hội nghị giao ban làm kênh trao đổi nhanh chóng, cụ thể nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất, nhập khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh ra thị trường thế giới, kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của nền thương mại Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.