Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh việc thống kê đàn vật nuôi

Ngọc Quỳnh| 05/05/2021 06:30

(HNM) - Theo Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020), việc kê khai đàn vật nuôi là bắt buộc đối với chủ hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện việc thống kê đàn vật nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt kết quả thấp, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng hơn nữa tới công tác thống kê đàn vật nuôi, hướng tới phát triển bền vững ngành Chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) thực hiện nghiêm việc thống kê đàn vật nuôi. Ảnh: Nguyễn Dung

Người dân thiếu hợp tác

Tại Khoản 1, Điều 54, Luật Chăn nuôi quy định: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã... Thời gian vừa qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện quy định này, nhưng kết quả thu được không như mong muốn do nhiều hộ chăn nuôi chưa tiến hành việc kê khai. Ông Nguyễn Văn Sinh ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) lý giải: "Gia đình tôi chỉ nuôi mấy chục con gà, kê khai làm gì mất công. Chỉ các hộ nuôi nhiều mới phải kê khai để cơ quan chức năng lấy số liệu quản lý".

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh thông tin: Thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi, xã đã triển khai việc kê khai đàn vật nuôi từ năm 2020, nhưng đến nay mới có trên 20% hộ chăn nuôi thực hiện. Nhiều hộ dân trên địa bàn chưa hợp tác với cán bộ thú y trong việc kê khai số lượng gia súc, gia cầm đang nuôi vì cho rằng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ...

Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết: Hiện mới có khoảng 20-30% hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện kê khai đàn vật nuôi. Chỉ có các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi quy mô lớn kê khai nghiêm túc, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phần lớn chưa thực hiện. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm để thực hiện việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh, cũng như định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn, việc thống kê số lượng đàn vật nuôi có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc quản lý tổng đàn và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cũng như định hướng phát triển ngành Chăn nuôi của Thủ đô. Ngay sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương triển khai thống kê số lượng đàn vật nuôi nhưng kết quả còn thấp. Nguyên nhân là do chăn nuôi nhỏ lẻ của Hà Nội vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%), trong khi người dân chưa có ý thức, thiếu hợp tác kê khai tổng đàn vì cho rằng việc này không ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Mặt khác, chính quyền cơ sở chưa quan tâm thỏa đáng, nhiều xã chỉ có một cán bộ thú y, lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên công tác thống kê đàn vật nuôi còn nhiều hạn chế.

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Để việc kê khai số lượng gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả như mong muốn, ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ trang trại ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho rằng: Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ hiểu được đây là trách nhiệm với cộng đồng và cũng mang lại lợi ích cho chính mình vì liên quan đến việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh…

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung: Huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thú y làm nhiệm vụ thống kê đàn vật nuôi; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hợp tác với chính quyền cơ sở trong việc thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi. Với những hộ dân không đăng ký, kê khai đúng quy định về đàn gia súc, gia cầm, khi có dịch bệnh xảy ra sẽ không được Nhà nước hỗ trợ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Chính quyền địa phương cần đổi mới biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rằng, việc kê khai số lượng gia súc, gia cầm mang lại lợi ích cho mỗi hộ chăn nuôi và cho cả cộng đồng. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã tập trung thực hiện công việc này; đồng thời, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và củng cố mạng lưới thú y cơ sở để nắm rõ tổng đàn, giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở.

Thực tế cho thấy, việc không kê khai đàn vật nuôi của người dân đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho ngành Chăn nuôi, từ kiểm soát dịch bệnh đến định hướng phát triển... Do đó, để Luật Chăn nuôi đi vào đời sống và công tác thống kê đàn vật nuôi mang lại hiệu quả cao nhất thì cùng với việc thúc đẩy công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài cụ thể, đủ sức điều chỉnh nhận thức của người chăn nuôi trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Từ đó tạo ra sự đồng thuận của người chăn nuôi, hướng tới những hoạt động tích cực góp phần thiết thực phát triển bền vững ngành Chăn nuôi của Thủ đô và cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh việc thống kê đàn vật nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.