Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục

Hồng Hạnh thực hiện| 04/09/2016 07:37

(HNM) - Hà Nội là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo (GD-ĐT).

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ.


Trước thềm năm học mới 2016-2017, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ về những công việc mà Ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang thực hiện, hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.

Những bước chuyển mạnh mẽ

- Năm học vừa qua cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết 06/2011/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội 5 năm 2011-2015. Vậy, đâu là những điểm nhấn Ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được, thưa ông?

- Năm học vừa qua, chất lượng và hiệu quả giáo dục đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện ở nhiều mặt, trên các lĩnh vực công tác và diễn ra ở tất cả các cấp học. Quy mô giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển mạnh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của Thủ đô trong thời kỳ mới. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục.

Hiện toàn thành phố có 2.622 trường học và các cơ sở giáo dục, với trên 1,7 triệu học sinh (tăng 48 trường và hơn 55.000 học sinh so với năm học trước). Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của toàn ngành tiếp tục được đổi mới với trọng tâm là thực hiện phân cấp quản lý giáo dục theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ và đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các quy định mới ban hành và yêu cầu hội nhập quốc tế. Phổ cập giáo dục có bước tiến mới, Hà Nội đã được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố và trước 2 năm so với kế hoạch quốc gia. Hết năm 2015, toàn thành phố đã có hơn 1.100 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là hơn 52%, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 06/2011/NQ-HĐND của HĐND thành phố và là địa phương có số lượng cũng như tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất cả nước...

- Với những thành tựu đó, Ngành Giáo dục Thủ đô làm gì để tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng?

- Chúng tôi đã xác định các giải pháp, tổ chức triển khai từng nội dung và xây dựng lộ trình thực hiện cho từng năm và giai đoạn, bảo đảm đúng định hướng, đồng bộ, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển GD-ĐT Thủ đô. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng hệ thống ngân hàng đề kiểm tra chung cho các khối lớp ở từng bộ môn; xây dựng nguồn học liệu mở, tập huấn cho các cơ sở việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), vận dụng dạy học, giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong các môn học; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh; tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng CNTT phù hợp với nội dung bài học…

100% cơ sở giáo dục của Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp trên cơ sở khung chuẩn phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT, phù hợp với các chuyên đề dạy học và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, nhằm phát triển tối đa năng lực của học sinh. Công tác kiểm tra, đánh giá, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của các cơ sở giáo dục cũng đã có nhiều đổi mới hướng tới phát triển năng lực của học sinh, động viên sự cố gắng, nỗ lực của học sinh trong quá trình tiếp nhận kiến thức.

Tập trung đầu tư cho GD-ĐT

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI xác định, phát triển GD-ĐT và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong năm học 2016-2017, Ngành Giáo dục Thủ đô đặt trọng tâm vào những việc gì để hướng tới mục tiêu năm 2025 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực?

- Toàn ngành tiếp tục thực hiện công tác đổi mới quản lý giáo dục, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực, đặc biệt coi trọng việc hình thành và phát triển đội ngũ. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu lao động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho học sinh. Tích cực đổi mới chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, sử dụng công nghệ mới, phương tiện hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục và chất lượng giảng dạy, học tập trong nhà trường. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Thu hẹp khoảng cách về chất lượng GD-ĐT giữa các vùng miền…

- Để giải quyết một số vấn đề không phải trong “ngày một, ngày hai”, chỉ sự nỗ lực của người trong ngành là chưa đủ. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

- GD-ĐT có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của GD-ĐT như Nhật Bản, với quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”; hay Singapore với phương châm “Thắng trong cuộc đua về giáo dục sẽ thắng trong cuộc đua về phát triển kinh tế”; nước Mỹ cũng luôn chú trọng đến việc “Tập trung cho đầu tư GD-ĐT và thu hút nhân tài”; nước Nga cũng đã khẳng định “Chính sách về con người là điểm bắt đầu và là điểm kết thúc của mọi chính sách kinh tế - xã hội”. Như vậy, sự nghiệp GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển toàn diện.

- Ông suy nghĩ như thế nào khi tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố có những chỉ đạo cụ thể về việc xây dựng và cải tạo lại toàn bộ hệ thống công trình phụ của tất cả trường học trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới?

- Những hạn chế về cơ sở vật chất chính là một trong ba vấn đề tồn tại cơ bản của Ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học vừa qua. Dù đã nhận được sự quan tâm đáng kể của thành phố và các quận, huyện, thị xã, song cơ sở vật chất của nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu thốn. Tại khu vực nội thành, nhiều đơn vị thiếu về diện tích đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Với khu vực ngoại thành, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay.

Chúng tôi rất mừng khi phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ dành ngân sách, nâng mức đầu tư cho GD-ĐT so với hiện nay. Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn cho biết thêm, thành phố đang kết hợp với doanh nghiệp, đóng góp của phụ huynh và kinh phí của thành phố để đưa ra mô hình mẫu, từ đó thống nhất xây dựng, cải tạo lại toàn bộ hệ thống công trình phụ của tất cả các trường. Hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư, nhằm bảo đảm đủ nước uống hằng ngày cho học sinh và trong năm học mới, thành phố sẽ tập trung vào việc trồng thêm cây xanh, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp cho các trường học trên địa bàn thành phố.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý

- Thời gian qua, Hà Nội đặc biệt chú trọng ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục. Ông có thể cho biết, hoạt động này có liên quan như thế nào đối với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT?

- Để hội nhập quốc tế và hiện đại hóa GD-ĐT, trong các biện pháp triển khai thực hiện có một công cụ - phương tiện quan trọng là CNTT. Tại Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, trong các nhiệm vụ đặt ra có vấn đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục. Việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực GD-ĐT của Hà Nội thời gian qua cũng là triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; đồng thời, đây cũng là một trong 9 nhiệm vụ chủ yếu mà Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện trong năm học 2016-2017.

- Ông có thể cho biết rõ hơn những ưu điểm của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục?

- Tôi lấy ví dụ, năm học 2016-2017 là năm học đầu tiên Hà Nội áp dụng phương thức tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến. Hình thức này được triển khai song song với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, bởi vẫn có những địa bàn khó khăn, chưa có internet hoặc phụ huynh chưa tiếp cận được với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến. Trước thời điểm tuyển sinh, các trường đều công khai trên website các thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh, bao gồm: Chỉ tiêu, đối tượng, địa bàn, thời gian tuyển sinh… Phương thức tuyển sinh trực tuyến trước hết giúp cho hoạt động của cơ quan nhà nước tăng tính công khai, minh bạch; người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử, giảm bớt phiền hà, vất vả; các trường có thể rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; công tác quản lý từ cơ sở tới các cấp cũng được chặt chẽ và sâu sát, giúp cho sự chỉ đạo, điều hành được cụ thể, phù hợp với thực tế…

Đặc biệt, việc tuyển sinh đầu cấp bằng phương thức trực tuyến còn giúp cho Ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương “3 tăng, 3 giảm”, phân tuyến hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Đây là chủ trương đã được Hà Nội kiên trì triển khai trong nhiều năm nay và thực tế ở các nhà trường cho thấy đã có tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng GD-ĐT. Chủ trương “3 tăng” gồm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường; “3 giảm” gồm giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có quy mô quá lớn, đáp ứng nguyện vọng học tập có chất lượng của học sinh ở mọi địa bàn, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực trong thành phố.

- Năm học 2016-2017 cũng là năm học đầu tiên các trường học trên địa bàn TP Hà Nội chính thức triển khai sổ điểm điện tử. Việc sử dụng sổ điểm điện tử sẽ đem lại lợi ích và sự thuận tiện như thế nào trong công tác quản lý giáo dục, thưa ông?

- Trong thực tế, việc ứng dụng CNTT để xây dựng các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý học sinh, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử… với một số nhà trường là không mới, nhưng với nhiều trường thì điều đó còn khá lạ lẫm. Sự đột phá của Hà Nội là xây dựng phần mềm sử dụng thống nhất trong toàn thành phố. Cụ thể, việc đồng loạt sử dụng sổ điểm điện tử tại các trường học sẽ mang lại nhiều tiện ích trong công tác quản lý, đồng thời bảo đảm tính chính xác cao, lưu giữ an toàn và đặc biệt là hạn chế tình trạng sửa chữa, bổ sung điểm tùy tiện, không theo quy định.

Với giáo viên, việc sử dụng sổ điểm điện tử sẽ giúp giảm áp lực trong việc tính điểm trung bình các môn, xếp loại học lực, xếp hạng... của học sinh, đồng thời bảo đảm tính chính xác về kết quả giáo dục. Như vậy, việc sử dụng sổ điểm điện tử nói riêng cũng như sẽ tiếp tục áp dụng các phần mềm thống nhất trong công tác quản lý giáo dục nói chung của Hà Nội là yêu cầu cấp thiết từ thực tế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy và học, tạo lòng tin cho phụ huynh và xã hội về tính khách quan, thực chất của chất lượng GD-ĐT.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.