(HNM) - Hơn một năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có phương thức phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Góp phần vào thành công đó là nhờ đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ, từ khai báo y tế, hỗ trợ truy vết tiếp xúc ca bệnh đến học tập, làm việc từ xa. Đây được coi là “tấm khiên” giúp phòng, chống dịch đạt kết quả cao.
Nhiều ứng dụng hiệu quả
Nhắc đến các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 phải kể đến 3 ứng dụng: NCOVI khai báo y tế tự nguyện dành cho người dân trong nước, Vietnam Health Declaration khai báo y tế dành cho người nhập cảnh và Bluezone phát hiện tiếp xúc gần. Những ứng dụng này đều do Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Bộ Y tế thực hiện.
Trong đó, ứng dụng NCOVI giúp người dân khai báo, cập nhật tình hình sức khỏe của mình và người thân hằng ngày; nhận thông tin, chỉ dẫn từ các cơ quan chức năng; phản ánh thông tin về công tác phòng, chống dịch. Tính đến ngày 5-3-2021, có 8,2 triệu lượt cài đặt NCOVI; số bản ghi khai báo y tế toàn dân là 18,6 triệu, số bản ghi cập nhật theo dõi sức khỏe là 56,3 triệu, số bản ghi quét mã QR là 7,85 triệu.
Với ứng dụng Bluezone, đến nay đã có hơn 30 triệu lượt người tải. Ngoài việc cảnh báo tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19, chức năng khai báo y tế, phản ánh thông tin trường hợp nghi nhiễm đã được bổ sung trên ứng dụng Bluezone. Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh, thực tế nhiều trường hợp không nhớ hoặc không biết có tiếp xúc với ca nhiễm nhưng nhờ ứng dụng Bluezone mà được phát hiện. Bởi vậy, việc truy vết, khoanh vùng sẽ nhanh và chính xác hơn; phạm vi cách ly cũng được thu hẹp.
Ngoài ra, nhiều ứng dụng hỗ trợ cuộc sống trong điều kiện vừa phòng, chống dịch vừa chung sống an toàn đã ra đời và phát huy thế mạnh. Điển hình nhất là giải pháp học trực tuyến VNPT E-Learning (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam), với hơn 30.000 trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước sử dụng, đã giúp hàng triệu giáo viên và học sinh tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học. Hay giải pháp khám, chữa bệnh từ xa Telehealth do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển, từ 2 bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) và Quảng Xương (Thanh Hóa), đến nay đã có 188 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 3 bệnh viện của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia. Giải pháp này đã giúp ngăn chặn dịch lây lan, đồng thời tạo ra những bước tiến mạnh mẽ cho y tế “hậu Covid-19”.
Bên cạnh đó còn là các giải pháp công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số tại cơ quan, doanh nghiệp như nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office hay nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp Base.vn, giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, góp phần bảo đảm giãn cách xã hội nhưng giao dịch và công việc vẫn trôi chảy.
Vì xã hội hoạt động bình thường
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ứng dụng công nghệ đã giữ vai trò kết nối các hoạt động xã hội trên môi trường mạng thay cho phương thức truyền thống. Anh Nguyễn Minh Hải (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) nhận xét: “Việc học trực tuyến thông qua giải pháp VNPT E-Learning giúp các con tôi duy trì được quá trình tiếp nhận kiến thức; đồng thời, giúp phụ huynh có thể theo dõi, đánh giá quá trình học tập của các con”.
Những ứng dụng của công nghệ đã mang đến hiệu quả to lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhấn mạnh điều này tại Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao tổ chức đầu tháng 11-2020, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Triệu Minh Long khẳng định, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chống dịch tốt, và một trong những yếu tố thiết yếu giúp Việt Nam thành công nằm ở việc làm chủ khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống và điều trị Covid-19...
Còn ở góc độ nhà cung cấp giải pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng ví Bluezone là "tấm khiên" bảo vệ người dân trước đại dịch Covid-19 nhờ tính năng cảnh báo, truy vết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp công nghệ vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa giúp phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới”, ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định mọi lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành đều sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, công nghệ thông tin mang đến cho người dân các ứng dụng và giải pháp làm việc, học tập, khám, chữa bệnh từ xa, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đang đặt ra. Trong hơn 20 ứng dụng và hệ thống công nghệ thông tin đang được chính thức sử dụng trong phòng, chống dịch Covid-19, nhiều ứng dụng tiêu biểu đã giúp ích cho cộng đồng.
“Việt Nam là một trong những nước tiên phong sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để phòng, chống dịch. Đây là công cụ giúp kết nối hai chiều giữa chính quyền, cơ quan y tế và từng người dân. Dữ liệu do người dân cung cấp giúp cơ quan chức năng phân tích, dự báo về diễn biến của dịch bệnh, từ đó đưa ra quyết sách cần thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, gần 60.000 doanh nghiệp số Việt Nam có năng lực và sẵn sàng tham gia các chương trình chuyển đổi số nói chung, phòng dịch Covid-19 nói riêng. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chỉ cần nêu vấn đề, doanh nghiệp số Việt Nam sẽ đưa ra những lời giải hữu hiệu nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.